Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

MỞ TOUR DU LỊCH ĐẦU NGUỒN THÁC MA - TẠI SAO KHÔNG?


Mở tour du lịch đầu nguồn Thác Ma - Tại sao không?

Nguồn: tintuc.vn – TIN TỨC VIỆT NAM


Không thể cưỡng lại lòng nhiệt thành và lời giới thiệu của bạn về vẻ đẹp huyền bí đầu nguồn Thác Ma, xã Hải Sơn, Hải Lăng, chúng tôi lên một con thuyền nhỏ gắn máy đuôi tôm ngược dòng Ô Giang khi mặt trời chiếu những tia nắng ấm đầu tiên nhuốm vàng vạn vật. Nước đầu nguồn Thác Ma mang theo hương vị tình khiết của thiên nhiên ướp ngát dòng Ô Giang thơm ra tới mênh mông biển cả. Chuyến du lịch thượng nguồn Thác Ma khởi đầu như thế.

Du lịch tự phát

 Bước xuống đò máy tại thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, chúng tôi  đã cảm nhận được ngay lòng hiếu khách của những người bạn. Chúng tôi được chăm lo chuẩn bị đầy đủ từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, từ song nồi, bếp nướng, than, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chuyến hành trình.


Du khách thích thú trước cảnh đẹp thiên nhiên trên dòng Thác Ma



 Chủ thuyền là ông Thành và ông Bình ở tuổi trung niên, nhưng đều có dáng người vạm vỡ của một người chuyên nghiệp sông nước. Ông Bình nhận nhiệm vụ “đứng mũi chịu sào”, ông Thành lái thuyền máy.

Con thuyền đưa chúng tôi ngược dòng Ô Giang lên đầu nguồn Thác Ma, bên bờ bắc các thôn Cồn Tàu, Tân Điền, Trầm Sơn, Khe Mương của xã Hải Sơn; phía bờ nam gồm các xã Mỹ Chánh, Xuân Lộc, Vực Kè, Tân Lương, Lương Sơn. Hai bên bờ sông từng khóm tre xanh rờn giữ đất làng nối dài bất tận.

Đò ngược khoảng 40 phút, chúng tôi gặp thác đầu tiên là Thác Hà, điểm chung là các thác này cạn chạm đáy thuyền nên phải tắt máy dùng sức người để đẩy. Ông Thành nhanh nhẹn nhảy xuống lội bì bõm đẩy thuyền ngược dòng. Vài du khách muốn trải nghiệm nhảy xuống theo để dòng nước suối mát lạnh ve vuốt quanh chân.

Lúc này, chúng tôi mới hiểu vì sao người dân lại dùng thuyền nhỏ để di chuyển vì thuyền lớn, hoặc thuyền vỏ gỗ không thể vượt qua các thác cạn được, chỉ có thuyền “đặc chủng”, nhỏ nhẹ, vỏ nhôm mềm chịu được va đập với đá cao mới hiệu quả.

Suốt chặng hành trình trải nghiệm thú vị này, du khách vượt qua 7 thác cạn tiếp theo gồm: Vùng Tròn, Thác Cá, Thác Quả, Voi Đái, Thác Chồn, Thác Chuối và cuối cùng là Thác Lạnh, đây là điểm dừng chân của đoàn chúng tôi sau hơn một giờ ngồi thuyền.

 Ông Thành cho biết, lên thêm khoảng 2 km nữa thì sẽ bắt gặp nhiều cảnh đẹp hùng vĩ hơn nhưng đa số du khách đều chưa lên đến đó. Thác Lạnh là điểm xa nhất du khách dừng chân bởi gói gọn thời gian đi về  trong ngày. Ngày xưa người ta gọi Thác Lạnh là ranh giới chiến tuyến, ranh giới của lý tưởng người theo cách mạng.

 
Du khách trải nghiệm vượt thác cạn

  
Sao gọi là ngưỡng ranh giới? Ông Thành giải thích, trên này ngày xưa là chiến khu cách mạng. Từ nơi này về hạ nguồn đồng bằng địch chốt quân dày đặc nhưng từ Thác Lạnh trở lên bộ đội đóng quân nên gọi là an toàn khu, bởi địch không dám  càn quét.

Các cựu chiến binh từng hoạt động, chiến đấu nơi này kể rằng: Những người theo cách mạng được thử thách sau khi vượt một chặng đường hiểm nguy thì đến Thác Lạnh. Nếu quyết tâm lên chiến khu thì lội ngược dòng vượt qua Thác Lạnh, ngược lại không chịu đựng được thì thả mình xuôi dòng vài chục bước chân sẽ trở lại đồng bằng.

Thế nên mới có thơ rằng: “Em nguyện theo Đảng đến cùng/ Vượt qua Thác Lạnh lên vùng chiến khu”.

Quả thật phong cảnh ở đây vô cùng huyền diệu, khách du lịch được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Đoạn sông này cạn chưa tới đầu gối, du khách có thể cúi người vốc từng nắm đá sáng láng, nhiều hình thù, hay lấy một nắm cơm đặt tay xuống suối để chứng kiến hàng nghìn con cá dạn dĩ vây quanh. Hai bên bờ tán cây rừng che phủ thoáng mát, hoa rừng, hoa đá đua nhau khoe sắc. Vài con gà rừng thấy có người cũng chạy ra ngó nghiêng góp vui.

Điệu nghệ và chuyên nghiệp, ông Thành thiết kế một cái bàn dã chiến ngay giữa dòng suối reo chảy. Bày biện lên đấy các thực phẩm mang theo, chúng tôi vừa nằm trầm mình mặc cho suối nước vuốt ve, mát xa cơ thể, vừa thưởng thức một bữa tiệc có một không hai trên đời.

Hòa mạng các tour du lịch

Ông Thành cho biết, bây giờ riêng ở thôn Lương Điền, xã Hải Sơn có khoảng gần 10 thuyền nhỏ phục vụ khách du lịch đầu nguồn Thác Ma. Trước đây chỉ có người dân làm rừng mới biết vẻ đẹp của Thác Ma. Sau đó thông tin này lan rộng, lúc đầu người dân trong vùng, rồi huyện Hải Lăng, bây giờ nhiều đoàn du khách của thành phố Huế đã liên hệ để tham quan đầu nguồn Thác Ma.

 Hai năm nay, mỗi năm hàng chục đoàn khách trải nghiệm thượng nguồn Thác Ma, lượng khách ngày càng tăng thêm, đặc biệt vào mùa hè. Khách càng đông thì phải chia ra nhiều thuyền nhỏ, trung bình mỗi thuyền chỉ chở tối đa 6 khách để đảm bảo an toàn.

Ông Thành trầm ngâm: “Người dân luôn mong chờ có ngày nhà nước sẽ đầu tư một tour du lịch đầu nguồn Thác Ma để góp phần giải quyết lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Trung bình mỗi chuyến như thế này, hai chúng tôi chỉ lấy 500-600 nghìn đồng nhưng khách thấy vất vả nên thường đưa thêm tiền”.

 
Thăng hoa phút hòa mình với thiên nhiên


Trong câu chuyện nở như ngô rang, ông Thành khẳng định có thể đưa chúng tôi trở về thành phố Đông Hà bằng chiếc thuyền nhỏ này. Từ năm 15 tuổi ông đã xuôi ngược vài chuyến như thế.

Theo ông Thành, nguồn Thác Ma chảy về sông Ô Giang và nối thông với sông Vĩnh Định chảy về 2 cửa biển Thuận An (Thừa Thiên -Huế) và Việt Yên (Triệu Phong). Sông Ô Giang nối sông Ô Lâu tại làng Câu Nhi chảy ra hướng bắc, đến làng Trung Đơn theo kênh mới Mai Lĩnh nối với Cựu Vĩnh Định tại ngã ba Hói Dét. Sông Nhùng nối với sông Vĩnh Định tại Quy Thiện, nhánh này chảy ra Triệu Phong, nối tại Văn Vận chảy về Thuận An.

 Như vậy muốn ra thành phố Đông Hà chỉ cần xuôi theo dòng Ô Giang về đến phá Tam Giang, sau đó theo một nhánh của sông Vĩnh Định để gặp sông Thạch Hãn qua địa bàn thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong. Theo dòng hải lưu sẽ gặp sông Hiếu tại ngã ba Gia Độ và ngược lên chợ Đông Hà, thành phố Đông Hà.

Lời ông Thành có cơ sở, vì theo sách Đại Nam nhất thống chí: “Sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở bảo Trấn Lao (Lao Bảo) chảy về Đông, đến ngã ba Cổ Thành chia làm hai nhánh: Một nhánh chảy lên Đông Bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Ái Tử (Vĩnh Phước) ở phía Tây chảy vào, qua huyện Đăng Xương (tức Triệu Phong ngày nay), rồi ngã ba Đại Độ (tức ngã ba Tướng) gặp sông Điếu Ngao từ huyện Thành Hóa (Sông Điếu Ngao qua cửa Điếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ), rồi qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra Cửa Việt.

Một nhánh chảy xuống Đông Nam, chảy vào sông Vĩnh Định huyện Phong Điền, gặp sông Nhùng (Mai Đàn) từ phía Tây tới, rồi theo hướng Nam tới huyện lỵ Phong Điền thì gặp sông Ô Giang (Thác Ma), sau đó chảy về phía Tây ra phá Tam Giang”.
Câu chuyện của ông Thành khiến chúng tôi nảy ra ý tưởng tại sao không mở tour du lịch đầu nguồn Thác Ma, rồi kết nối với các tour du lịch huyện Triệu Phong, thành phố Đông Hà, liên kết mở rộng các tour du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XIII, XIV và XV đều khẳng định: Phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, khóa XVI ngày 6/7/2017 xác định mục tiêu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Đến năm 2020, giá trị ngành du lịch chiếm tỷ trọng 7-8% tổng GRDP của tỉnh; đến năm 2025 chiếm tỷ trọng trên 10% tổng GRDP của tỉnh.

Đầu tháng 4 vừa rồi, chúng tôi đã tham gia thử nghiệm tour du lịch văn hóa lịch sử tại huyện Triệu Phong gồm các điểm: Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang ở thị trấn Ái Tử, bến Ghềnh Thương cảng cổ và Miếu thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ ở Triệu Giang, di tích quốc gia Thành Cổ Quảng Trị,- Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Kết thúc hành trình, chúng tôi được thưởng thức 9 món đặc sản địa phương tại chợ Sải như: nem, chả, cháo hến, bánh chưng, bánh bột lọc, bánh bèo...

Ngoài ra có một phương án rất lý thú là xuôi thuyền theo dòng Thạch Hãn từ xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị ghé lại bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn. Du khách lên bờ viếng Di tích quốc gia Thành Cổ, làm lễ thả hoa, sau đó tiếp tục lên thuyền ghé Bến Ghềnh thương cảng cổ. Tiếp tục xuôi thuyền ghé lại bến Khu lưu niệm Tổng Bí thư Duẩn, thăm di tích chợ Sãi. Sau đó lên xe ô tô tham gia chương trình giao lưu, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực truyền thống chợ Sãi.

Nếu liên kết tour du lịch đường thủy Thác Ma, huyện Hải Lăng và du lịch văn hóa lịch sử, huyện Triệu Phong, các tour du lịch thành phố Đông Hà sẽ tạo thêm nhiều điểm thu hút khách du lịch. Tạo một điểm nhấn quan trọng đối với ngành du lịch của tỉnh Quảng Trị.

 Nhà sư Phúc Thiện, ở Thác Chuối, xã Hải Sơn lên đây thiền tu hơn 5 năm trước nói: “5 năm trước lên đây, tôi đã nhận định sẽ có tour du lịch được tổ chức trong nay mai. Thế nên việc đầu tiên tôi làm là trồng cây ăn trái trên diện tích đất mình mua được, đồng thời bảo tồn rừng lá bội ngay trước mặt chùa. Mấy hôm trước có vài người đến định đào cây bội mang đi bán, tôi phải khuyên nhủ: “Đây là rừng bội tự nhiên, anh chị để lại cho chùa làm thuốc chữa bệnh”.  Nhờ vậy mà bây giờ trước mặt chùa có hàng nghìn cây bội tốt tươi, lá thơm ngon. Đằng sau chùa có nhiều loại cây ăn trái đang mùa chín. Mấy năm nay khách du lịch lên đây đều được chùa tặng trái cây, lá bội khô mang về làm quà nên họ rất thích.

Sư Phúc Thiện nói ý nghĩa: “Người dân đang đón đầu, làm vệ tinh cho ngành du lịch đấy nhé”.

Minh Tuấn / baoquangtri.vn