Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

[Chuyên mục]Đất và người Quảng Trị - Ký sự ô lâu - phần 3

Đi “phượt” ở thượng nguồn Thác Ma


Nguồn: Tin Tức Việt Nam.
(http://quangtri.tintuc.vn/du-lich/di-phuot-o-thuong-nguon-thac-ma.html)
  
Không được nhiều người biết đến như một số dòng sông nổi tiếng ở Quảng Trị, là Bến Hải, Thạch Hãn, Đakrông hay sông Hiếu nhưng dòng sông Thác Ma thuộc huyện Hải Lăng lại mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ kì bí và có tiềm năng du lịch to lớn nếu sớm được đánh thức. Chúng tôi đã có một chuyến “phượt” đường thủy đáng nhớ lên phía thượng nguồn con sông độc đáo này…

Theo nhiều tài liệu, sông Thác Ma còn có một số tên gọi khác nhau như: Thác Mã, Ô Lâu Tả Trạch… Con sông này có chiều dài khoảng 15 km đi qua địa phận 2 xã Hải Chánh và Hải Sơn, huyện Hải Lăng. Sông Thác Ma bắt nguồn từ nhiều con thác và suối nguồn ở vùng rừng phía Tây Hải Lăng chảy xuôi về hướng Đông Nam, bên bờ Bắc là các thôn của xã Hải Sơn, phía bờ Nam thuộc xã Hải Chánh. Trong mấy năm trở lại đây, nhiều đoàn khách du lịch tự phát đã tìm đến tham quan khám phá những vẻ đẹp hoang sơ phía thượng nguồn sông Thác Ma, nơi có nhiều thác nước đẹp. Hầu hết các đoàn đều chọn cách di chuyển bằng đường thủy để tận mắt chứng kiến vẻ đẹp tự nhiên và có những giây phút trải nghiệm mỗi khi vượt qua những con thác. Sau hơn 2 km dạo đầu tương đối êm thuận thì ghềnh thác bắt đầu xuất hiện.

Thác đầu tiên có tên là thác Hà. Thác này nước không chảy xiết nên thuyền vẫn qua được nhưng phải di chuyển chậm. Càng lên khu vực thượng nguồn thì dòng nước ở các ghềnh thác càng chảy xiết, có những đoạn du khách phải xuống thuyền đi bộ men theo con sông, len lỏi qua những ghềnh đá, tạo nên một cảm giác thú vị. Vượt qua khoảng 7 thác nước đầu tiên, du khách sẽ bắt gặp thác nước thứ 8 có tên Ly Kỳ, do người dân địa phương đặt tên theo đặc điểm của thác nước này. Những mõm đá nhô ra ngay giữa dòng sông xen lẫn những loài cây bám chặt vào các khối đá đủ hình thù, không theo một trật tự nào càng làm cho khung cảnh nơi đây thật kì thú như tên gọi của nó. Vừa điều khiển con thuyền đuôi tôm len lỏi vượt qua thác nước này, anh Phan Văn Trí ở thôn Lương Sơn, xã Hải Chánh, người thường xuyên chở khách trên tuyến sông này vừa giải thích: “Người nào không quen mà điều khiển đò, thuyền qua đoạn này là phải đi cực kì chậm, có khi phải lội xuống nước để đẩy thuyền mới qua được”.



Xen kẽ giữa những thác ghềnh còn có những khúc sông khá êm đềm. Ảnh: ĐV

Chưa hết câu chuyện, anh Trí tắt máy chống thuyền sát vào một bãi đá lớn rồi tiếp tục kể: “Đây là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình ngược dòng lên phía thượng nguồn. Sở dĩ thác này được người dân đặt cho cái tên Ly Kỳ là vì những hình thù đủ kiểu dáng của những mõm đá ngay chh giữa dòng sông. Nhiều đoàn khách khi đến khu vực này cứ tưởng rằng đây là Thác Chờơng - thác nước đẹp nhất của dòng sông Thác Ma - vì thấy cảnh quan ở đây vô cùng thú vị. Từ đây lên thượng nguồn còn nhiều thác nước và cảnh quan đẹp hơn nhiều”. Sau một hồi nghỉ ngơi, chụp hình, chúng tôi tiếp tục hành trình với một cảm giác đầy hào hứng sau những lời giới thiệu lôi cuốn, chân tình của anh Trí. Không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của những thác nước mà trong suốt hành trình ngược dòng Thác Ma, du khách còn được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ hai bên bờ sông. Đó là những bãi đá, bãi cát trắng mịn tạo thành những điểm dừng chân lí tưởng trên chuyến hành trình lên phía thượng nguồn.

Suốt chặng hành trình trải nghiệm thú vị này, du khách phải vượt qua hàng chục thác cạn mới đến được điểm dừng chân cuối cùng và cũng là nơi có thác nước đẹp nhất, thác Chờơng. Tại địa điểm này, dòng chảy của dòng sông chỉ còn những luồng nước hẹp len lỏi qua từng khe đá nối tiếp chồng lên nhau tạo thành những thác nước tuôn trào trắng xóa, đẹp đến nao lòng. Quả thật như lời giới thiệu của anh Trí, nơi đây có một không gian và cảnh vật thật tuyệt vời cho những ai đam mê du lịch trải nghiệm. Đây cũng là khu vực vừa có bãi đá, vừa có bãi cát rộng và cây cổ thụ nên rất thuận tiện cho việc cắm trại trên bờ và đắm mình dưới dòng suối xanh mát. 



Cảnh sắc đẹp hoang sơ của Thác Chờơng. Ảnh: ĐV


Vừa sửa soạn đồ nghề đánh bắt cá, anh Trí vừa hào hứng chia sẻ: “Các đoàn du khách lên đây lần đầu đa số đều tự chuẩn bị thức ăn, nước uống rất nhiều. Nhưng nếu đi lần thứ 2 thì sẽ rút kinh nghiệm mang thức ăn vừa đủ để còn thưởng thức món cá suối nướng hoặc mang theo ít gạo để nấu cháo. Ở đây cá vừa mới bắt dưới suối lên không cần cắt vi, cạo vảy mà cho thẳng vào nồi cháo đang sôi sùng sục thì ngon nhất trần đời”. Vừa dứt lời, anh Trí cùng một số bạn thuyền nhảy lên thuyền mang tấm lưới thả dọc theo các khe đá, nơi có nước chảy mạnh và dùng sào tre khuấy đảo xung quanh. Đây là mẹo bắt cá khá đơn giản của người dân nơi đây. Sau chừng khoảng 1 giờ, anh Trí đã bắt được gần 1 kg cá đủ loại, nhưng theo lời anh thì cá Leo và cá Trịt mũi là thuộc vào loại ngon nhất. Anh Trí cho biết, du khách đến đây thường đi vào buổi sáng, đến khoảng 10 giờ là đến điểm cuối cùng, lúc này thích hợp cho việc tắm suối vì ánh nắng của mặt trời chưa qua khỏi những tán cây cổ thụ, du khách có thể đầm mình trong dòng suối mát tùy thích. Buổi trưa là thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Để có một vị trí lí tưởng cho buổi trưa thì du khách phải biết chọn vị trí thích hợp, vừa tận dụng được bóng mát mà vừa có tảng đá bằng phẳng để làm nơi để đồ.

Chờ được đánh thức…

Sau gần 1 ngày trải nghiệm thú vị, ngồi trên chiếc thuyền trở về, chúng tôi có dịp trao đổi với ông Phạm Ngọc Ánh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hải Lăng về những tiềm năng du lịch phía thượng nguồn sông Thác Ma. Ông Ánh cho biết: “Hiện tại, nơi đây chưa có bất kì một dự án du lịch nào hoạt động nhưng cứ vào mùa hè lại có hàng trăm lượt du khách tự tìm đến đây để chiêm ngưỡng cảnh đẹp và trải nghiệm. Trước tiềm năng du lịch lớn của thượng nguồn sông Thác Ma, chúng tôi đã 2 lần khảo sát để có kế hoạch tham mưu cho UBND huyện kêu gọi, thu hút đầu tư để nơi này sớm trở thành địa điểm du lịch sinh thái được nhiều người biết đến”.




Khách du lịch chuẩn bị bữa ăn ngay ở bãi đá bên suối. Ảnh: ĐV

Mấy năm trở lại đây, lượng khách tìm đến trải nghiệm ở thượng nguồn sông Thác Ma ngày càng tăng, đặc biệt vào mùa hè. Hiện nay một số hộ dân ở thôn Lương Sơn, xã Hải Chánh và thôn Lương Điền, xã Hải Sơn đã sửa chữa thuyền vỏ nhôm nhỏ để phục vụ du khách đảm bảo an toàn với mức giá trên dưới 1 triệu đồng/một chuyến, nhờ vậy người dân ở đây cũng có thêm một khoản thu nhập trong mỗi dịp hè. Chia tay chúng tôi, anh Trí và những người dân địa phương không quên nhắn nhủ: “Nếu có đoàn nào muốn du lịch sông Thác Ma thì a lô là có ngay anh nhé. Chúng tôi sẽ phục vụ hết mình…”. Trên đường trở về, ngoài những hình ảnh ấn tượng của dòng sông Thác Ma, tôi vẫn nhớ như in câu nói của anh Trí rằng: “Các đoàn khách đến đây hầu như đoàn nào cũng tỏ ra nuối tiếc khi đặt câu hỏi về thượng nguồn sông Thác Ma: Tại sao có một địa điểm lí tưởng như thế này mà đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đến đầu tư, thật là uổng phí. Nếu ở các nơi khác thì chắc đã trở thành địa điểm du lịch trải nghiệm nổi tiếng từ lâu rồi”.

Từ nhiều năm nay, tiềm năng du lịch thượng nguồn sông Thác Ma vẫn đang âm thầm và kiên nhẫn chờ ngày được đánh thức. Trong khi đó, vào mỗi mùa hè khách du lịch yêu thích trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ vẫn lặng lẽ tự tìm đến với thượng nguồn sông Thác Ma. Người dân địa phương cũng luôn mong chờ sớm có dự án đầu tư mở tour du lịch đầu nguồn Thác Ma để góp phần giải quyết lao động, nâng cao thu nhập cho người dân và khai thác cảnh quan mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất và con người nơi đây. Với tất cả cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp đã được trải nghiệm, được “thẩm định” thực tế của nhiều đoàn du khách và cơ quan chức năng, mong rằng một ngày không xa, thượng nguồn sông Thác Ma sẽ trở thành điểm đến về du lịch trải nghiệm có sức hút lớn trên bản đồ du lịch Quảng Trị!


c
Đức Việt-Quang Giang / baoquangtri.vn