Ban Quản Trị
Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022
ĐI TÌM TÊN GỌI CHO MỘT DÒNG SÔNG - Khê Giang
Ô Lâu - Thác Ma là một hệ dòng chảy đi qua hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, một con sông được bồi lắng với những trầm tích lịch sử, văn hóa Việt-Chăm. Một dòng chảy thi ca, nơi lưu giữ những áng văn chương, những thiên tình sử… rào rạt chảy từ suối nguồn giai thoại cho đến bãi bờ hiện thực.
Thầm
lặng cần mẫn, dòng chảy đã điểm trang cho vùng đất
eo thắt lưng ong nầy những nét duyên dáng kiêu sa, một
tuyệt phẩm thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có
được. Chỉ tiếc rằng do xác định mù mờ về tên gọi
và ranh giới, nên trong một khoảng thời gian dài, rất
nhiều tác phẩm, tài liệu đã mô tả không đúng về tên
gọi của con sông này.
Ô Lâu -Thác Ma là một hệ thống sông đặc biệt, nơi có dòng chảy không nằm trong quy luật chung về địa lý. Theo lẽ thường, các con sông được tạo thành từ nhiều phụ lưu nhỏ hợp thành dòng chảy lớn, càng về hạ lưu, lòng sông càng rộng. Sau đó được đổ ra biển bằng một cửa sông hay nhiều chi lưu. Nếu tuân theo quy luật này thì chẳng khó khăn gì trong việc xác định về tính phân cấp, hệ thống dòng chảy hay tên gọi, thế nhưng đây là hệ dòng chảy vô cùng rối rắm.
Hệ
thống dòng chảy này có hai nhánh chính đó là Ô Lâu và
Ô Sa (Thác Ma). Về khởi thủy, nhánh phụ lưu Ô Lâu (hữu
ngạn) bắt nguồn từ thượng nguồn đỉnh núi Truồi,
chảy lượn quanh co giữa núi rừng Tây Thừa Thiên, chảy
xuôi về Phò Trạch, rồi chuyển hướng tây bắc, qua
Phong Mỹ, Phong Thu đến thị trấn Phong Điền cắt qua
quốc lộ 1A, sau đó cặp theo quốc lộ đến thôn Mỹ
Chánh rẽ theo hướng đông, đến địa phận Mỹ Cang con
sông uốn lượn theo hình chữ S với bờ phải là Mỹ
Xuyên, Phước Tích; bờ trái là Hà Cát, Hội Kỳ, sau đó
luồn qua cầu Phước Tích để hợp lưu với nhánh Thác
Ma.
Nhánh
Ô Sa -Thác Ma (tả ngạn) còn gọi là Tho Lai, Thu Lai hoặc
Thu Rơi…, bắt nguồn từ nhiều con thác và suối nguồn
từ vùng rừng phía Tây Quảng Trị, giáp với Thừa Thiên
– Huế, bao gồm: Thác Lạnh, Thác Chuối, Thác Chồn, Thác
Quả, Thác Vụng Tròn và cuối cùng là thác Cá Voi Đái…
Dòng chảy xuôi về hướng Đông Nam, bên bờ Bắc là các
thôn Khe Mương, Trầm Sơn, Tân Điền và Cồn Tàu của xã
Hải Sơn; phía bờ Nam gồm các thôn Lương Sơn, Tân Lương,
Vực Kè, Xuân Lộc, Mỹ Chánh thuộc xã Hải Chánh.
Điều
đáng nói là sau khi hợp lưu, tính “thủy chung” của
dòng chảy này không được kéo dài, mới ôm nhau qua một
đoạn ngắn, đến Câu Nhi (Hải Tân), chúng đã vội vã
chia tay. Việc chia tay đường ai nấy đi là chuyện đơn
giản và đời thường nhưng trong việc chia tay này khó ở
chỗ không rõ ai đi đường nào, sự rẻ chia này là khởi
đầu cho sự nhập nhằng, rối rắm. Liệu hai nhánh rẽ
này có phải là hai chi lưu của hệ Ô Lâu-Thác Ma? Về
hình thái phân chia, nhìn có vẽ đúng, nhưng về quy ước
thì không thể vì hai phân nhánh này không đổ thẳng ra
biển mà chúng có một hành trình hết sức luẩn quẩn,
phức tạp về phía hạ lưu, nhất là nhánh tả (Ô
Giang).
Nhánh hữu chảy theo hướng Đông- Bắc chảy
qua Mỹ Xuyên, Trạch Phổ, Ưu Điềm, Vĩnh An ... ở bờ
Nam; Câu Nhi, Văn Quỹ, An Thơ, Phú Kinh… ở bờ Bắc nhập
vào sông Vĩnh Định qua cầu Vân Trình hòa vào phá Tam
Giang.
Nhánh tả xuôi ra hướng bắc (qua Lương Điền,
Hà Lộc, Trường sanh, Diên Sanh ở bờ Tây; Câu Nhi, Hà
Lỗ, Văn Trị ở bờ Đông) khi đến Cây Da, ranh giới của
Diên Trường (Hải Thọ), xóm Càng (Hải Hòa), chúng bị
thu hẹp dòng chảy đến độ người dân ở đây chỉ gọi
là kênh hoặc hói. Tại ngã ba này, con sông lại chảy về
hai hướng: bên trái chảy về hướng Bắc đến Trung Đơn
(nhập vào sông Nhùng), sau đó theo sông Vĩnh Định đến
Quy Thiện ngược ra Triệu Phong. Nhánh phải lại xuôi về
hướng Đông đến ngã ba hói Dét, (đoạn này trước đây
được gọi là kênh Mai Lĩnh). Tại đây chúng gặp sông
Vĩnh Định và cũng chia thành hai nhánh, một nhánh chảy
về hướng Bắc nhập vào Hiền Lương, Thạch Hãn, một
nhánh chảy về hướng Nam nhập vào nhánh hữu của hệ Ô
Lâu-Thác Ma tại Vân Trình để xuôi theo hướng Đông đổ
về phá Tam Giang.
Sự
nhầm lẫn trong việc xác định tên và dòng chảy này còn
bị tác động rất lớn bởi những người làm công tác
vẽ bản đồ. Rất nhiều các bản đồ hành chính, bản
đồ về địa lý sông ngòi cấp quốc gia và thế giới
hiện tại đã bỏ quên nhánh chi lưu (nhánh hữu) của hệ
Ô Lâu-Thác Ma (từ Câu Nhi đến Văn Trình) kể cả Google
Map, bản đồ trực tuyến, bản đồ vệ tinh… cho dù đó
là phiên bản mới nhất (2017). Thậm chí một số bản đồ
cũng bỏ quên cả nhánh phụ lưu Thác Ma đoạn từ khởi
nguồn đến cầu Mỹ Chánh. Không ai hiểu được tại sao
những dòng chảy quan trọng như thế lại bị đánh mất
trên hệ thống bản đồ. Điều đáng buồn hơn ngoài
việc bỏ quên những dòng chảy, tác giả đồ họa còn
ghi bừa lên toàn bộ nhánh tả của hệ Ô Lâu-Thác Ma
bằng bằng cái tên là sông Ô Lâu (bao gồm sông Ô Giang,
sông đào Ngô Đình Diệm và một phần của sông Vĩnh
Định. (Xem hình).
Nói về khúc sông từ Cây Da đến hói Dét, nguyên thủy đây là kênh Mai Lĩnh (ranh giới tự nhiên giữa Phước Điền và Hội Điền). Năm 1926, Tri phủ Hải Lăng Ngô Đình Diệm cho đào sông, mở rộng trên nền con kênh có sẵn, nhằm cải tạo giao thông thủy từ các xã vùng ruộng sâu với trung tâm huyện lỵ, vừa có tác dụng tiêu nước cho cánh đồng trũng Hải Hòa - Hải Thành. Đoạn này, người dân nơi đây thường gọi là sông Ông Diệm hay sông Ngô Đình Diệm.
Tương
tự đoạn từ ngã ba hói Dét xuôi về Văn Trình, không
thể là sông Ô Lâu được, vì đây là chính là sông Vĩnh
Định, một con sông trung gian nối tiếp giữa hai hệ
thống sông Thạch Hãn với hệ thống Ô Lâu – Thác Ma.
Điều muốn nói thêm, đây cũng là con sông rất khó xác
định phụ lưu và chi lưu. Nếu căn cứ vào hướng chảy
chung của hệ thống sông ngòi miền Trung, con sông này có
hướng chảy Tây- Bắc đến Đông Nam thì hai cửa nối
tại Cây Da (chảy ra Câu Nhi) và hói Dét (chảy ra Vân
Trình) là chi lưu, nhưng nếu tính theo quy tắc về độ
rộng tăng dần của dòng chảy thì hai nhánh này là phụ
lưu và chi lưu chính là cửa đổ ra sông Thạch Hãn.
Vậy
nhánh hữu của hệ Ô Lâu -Thác Ma (nhánh bị xóa tên trên
hầu hết hệ thống bản đồ) là sông gì? Đây là nhánh
sông được coi là ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng
Trị trừ Câu Nhi và Hòa Viện (Câu Nhi thuộc Quảng Trị
nằm ở bờ Bắc nhưng có một phần diện tích đất của
làng nằm ở bờ Nam và Hòa Viện thuộc Thừa Thiên nằm
ở bờ Nam nhưng lại có một nửa diện tích đất nằm ở
bờ Bắc).
Hầu
hết các tác phẩm, tài liệu về địa lý, văn học…
trong thế kỷ XX đều mặc nhiên gọi khúc sông này là
sông Ô Lâu: “Sông Ô Lâu bắt nguồn từ vùng núi Tây
Trị Thiên ở độ cao tuyệt đối xấp xỉ 905m, có chiều
dài dòng chính 66 km, diện tích lưu vực 900 km2, độ dốc
trung bình lưu vực trên 13m/km (ở phạm vi đồi núi trên
19m/km). Thoạt đầu sông chảy theo hướng Tây Nam-Đông
Bắc, đến Phò Trạch chuyển hướng Đông Nam-Tây Bắc
cho tới Phước Tích (chỗ hội lưu với sông Thác Ma), sau
đó chuyển hướng Tây Nam- Đông Bắc cho đến Vân Trình
lại chuyển hướng Tây Bắc-Đông Nam và đổ vào phá Tam
Giang ở cửa Lác.” (Theo Địa chí Thừa Thiên Huế, Phần
Tự nhiên, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 2005).
Tuy
nhiên, để có cái nhìn thấu đáo hơn cho câu hỏi này,
chúng ta chịu khó đi ngược dòng thời gian.
Khi tiếp
quản châu Ô của Chiêm Thành, những dòng sông ở đây đã
có tên gọi theo tiếng Chăm. Ô Lâu: nhánh chảy từ Truồi
về đến Phước Tích; Ô Sa (Thác Ma): nhánh chảy từ Tây
Hải Chánh đến Lương Điền (đối diện ngã ba Phước
Tích ở bờ Nam); Ô Giang (Rào Cái): đoạn từ ngã ba Câu
Nhi đến Cây Da; Ô Khê (sông Bến Đá): khởi nguồn từ
phía tây thôn Trường Xuân hợp lưu với Ô Giang tại đoạn
chảy qua Văn Trị. Trong Đất Việt trời Nam, Thái Văn
Kiểm đã mô tả: “Con sông Ô Lâu bắt nguồn từ dãy
Trường Sơn, chảy qua vùng Ô Sa, chảy qua Phước Tích đến
Lương Điền thì chia làm hai: Một nhánh chảy về Vân
Trình ra phá Tam Giang, còn một nhánh chảy về Câu Nhi,
Trung Đơn thì mang tên là Ô Giang, có chi lưu là Ô Khê tức
khe Ô vậy. Bốn địa danh Ô Lâu, Ô Sa, Ô Giang và Ô Khê
là di tích âm thanh hiếm hoi còn lại của Châu Ô mà Chiêm
Thành đã dâng cho ta năm 1306...”. Mặc dù bài viết xác
định tên gọi gần đủ của các nhánh trong hệ Ô Lâu
-Thác Ma, tuy nhiên tác giả cũng không mô tả nhánh chảy
về Vân Trình có tên gọi là gì?
Rất
may có rất nhiều tài liệu cổ đã chứng minh tính không
phù hợp khi viết về dòng Ô Lâu trên nhiều tài liệu
hiện nay.
Theo
Phủ Biên Tạp Lục - Lê Quí Đôn (1774): "... Ngày 7
tháng 12, (quân chúa Nguyễn - TG) vượt Độc Giang, tiến
đến các xã Lương Phúc và Diên Sanh. Diệp công Hoàng Ngũ
Phúc sai Trần lĩnh hầu Nguyễn Đình Khoan đốc xuất hậu
quân và Thạc vũ hầu Hoàng Phùng Cơ làm tiên phong cùng
nghênh chiến rồi phá tan, chém và bắt sống vô số, thu
hơn 100 ngựa, hơn 30 voi. Thuỷ binh của chúng đến đánh
ở Độc Giang cũng bị đại bại...".
Con
đường Lê Quý Đôn mô tả chính là đường Quan báo
(Thiên Lý) hay còn gọi là đường Kinh sư, chạy từ Phú
Xuân đến trạm Hành cung Mỹ Xuyên qua bến đò Hôm Lạng
đến Lương Điền (Lương Phúc) Trường Sanh, Diên
Sanh…Truy tìm các tài liệu cổ cùng thời, ta thấy đoạn
sông này đều gọi là Độc Giang hay sông Đôộc chứ
không nghe nhắc đến Ô Lâu.
Trong
Hoàng Việt Thống Nhất Dư Địa Chí - Lê Quang Định - do
Phan Đăng dịch, trang 109 đã mô tả: “…Sông Lương
Phước rộng 88 tầm, bờ phía bắc giáp với đầu địa
giới dinh Quảng Trị, tục gọi là sông Độc Nước, sâu
1 tầm, sông này một nửa thuộc dinh Quảng Đức, một
nửa thuộc dinh Quảng Trị. Đi ngược lên 13.444 tầm thì
đến sở tuần cũ nguồn Ô Lâu. Xuôi xuống dưới 30.091
tầm thì chảy ra phá Tam Giang rồi đổ ra cửa Nhuyễn…”.
Đây
là tài liệu mô tả rất rạch ròi về tên gọi: Lương
Phước (mới) và Độc Giang (cũ), cũng như phân định
ranh giới rõ ràng về sông và nguồn: Ô Lâu (nguồn) và
Lương Phước (sông). Điều này cho chúng ta thấy sông Ô
Lâu đã dừng tên ngay khi đổ vào sông Lương Phước (Độc
Giang) tại ngã ba Phước Tích.
Cũng
từ tác phẩm trên, đoạn mô tả về đường Thiên lý
Bắc-Nam: “Đường từ Kinh sư đến lỵ sở Quảng Trị:
26.693 tầm, 1 thước, thành ra 123 dặm rưỡi, đi hết 1
ngày rưỡi.Từ phía nam công đường của lỵ sở, theo
đường trạm đến thủ sở Thu Lai đầu địa giới là
sông Lương Phước hết 13.000 tầm, 1 thước”.
Tương
tự “Hoàng Việt Thống Nhất Dư Địa Chí” đã mô tả,
trong Đồng Khánh địa dư chí của Quốc sử quán triều
Nguyễn cũng cho biết Ô Lâu chỉ là nguồn chứ không phải
là sông: “...Một dòng sông từ nguồn Ô Lâu chảy
xuống qua hai ấp Hoàng Liên, Thượng Nguyên, qua ngã ba xã
Văn Quỹ (thuộc đạo Quảng Trị) giáp với sông Hoàng
Lai (Ô Giang - TG) đạo Quảng Trị, quanh co chảy xuống
Phước Tích, Phú Xuân, qua Bào Ngược đến cửa Lạc, đổ
ra phá Tam Giang, dài 59 dặm rưỡi, lại từ cửa Lạc chảy
đến Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, qua Thành Công đến
cửa Quán dài 19 dặm.” (Chương Phủ Thừa Thiên, mục
Huyện Quảng Điền, trang 1429. Sách do Ngô Đức Thọ -
Nguyễn Văn Nguyên - Philippe Papin biên khảo và hiệu đính,
nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2003).
Sách
Đại Nam Nhất Thống Chí cũng mô tả rất rõ: “Vùng
biển Tam Giang - xưa gọi là “biển cạn” (Hạc Hải),
năm Minh Mạng thứ 2 (1821), đổi tên là phá Tam Giang. Từ
bờ phía Nam đến bờ phía Bắc dài 35 dặm, từ bờ phía
Đông đến bờ phía Tây rộng độ 6 dặm; từ sông Lương
Điền (Lương Phước - TG) chảy xuống vũng biển, phía
Tây Nam có 3 ngả sông: Cửa Tả Giang, Cửa Trung Giang, Cửa
Hữu Giang. Mỗi sông đều chảy 2 - 3 dặm rồi nhập lại,
cho nên gọi là vũng biển Tam Giang…”
Chúng
ta dễ dàng nhận ra tài liệu từ thế kỷ XVIII trở về
trước gọi đoạn sông này là Độc Giang (sông Đôộc),
các tài liệu từ thế kỷ XIX trở đi gọi là sông Lương
Điền (Lương Phước). Thực tế, khi quan sát thực địa
bằng đường bộ, đường thủy hay qua không ảnh, ta dễ
dàng nhận thấy tính hợp lý của những tài liệu cổ
trên: Dòng Thác Ma là dòng chảy chính (rộng, thẳng) và
nhánh Ô Lâu là nhánh phụ (hẹp và tiếp góc với dòng
chính). Để dễ hình dung, chúng ta tưởng tượng nhánh Ô
Lâu là một con đường nối với một đại lộ và theo
quy định tên của con đường phải kết thúc ngay lúc
giao nhau với con đường lớn, chứ không thể lấy tên
mình để đặt hết lên con đường chính được! Theo
phân cấp Quốc tế của Horton–Strahler về cấp độ dòng
chảy chúng ta thấy nhánh Ô Lâu chỉ là phụ lưu của
dòng Thác Ma – Lương Điền chứ khó có thể xếp nhánh
này cùng cấp 1 với nhánh Thác Ma (hai dòng cấp 1 hợp lưu
thành dòng cấp 2).
Riêng
lý giải tại sao các nhà viết sử xưa gọi tên dòng sông
này (đoạn chảy từ Phước Tích đến Vân Trình) là sông
Đôộc hay Lương Điền (Lương Phước)? Căn cứ vào cách
đặt tên sông ngòi tại nước ta, ngoài việc đặt tên
theo sự tích, người khai phá, dựa theo tính chất đặc
điểm về dòng chảy…, đa phần người ta thường gọi
tên theo những “địa danh đặc biệt” nơi chúng đi
qua. Đoạn sông này đã chảy qua địa phận hai ngôi làng
nổi tiếng thời bấy giờ: Làng (Kẻ) Đôộc-Phước Tích
ở bờ Nam, nơi sản xuất lu, đôộc (chum, vại). Ngoài
cung cấp vật dụng đồ gốm cho cả Triều đình, còn là
nơi trao đổi buôn bán với nhiều nước trong khu vực;
Lương Điền (bờ Bắc): vùng đất có độ dài lớn nhất
của con sông đi qua (thời điểm đó làng Lương Điền
bao gồm một hành lang rộng lớn theo bờ sông: từ Cồn
Tàu, Tân Điền, Trầm Sơn.. chạy dài đến Câu Nhi), là
địa phương có đường Quan báo đi qua, có bến đò Hôm
Lạng là huyết mạch giao thông thủy, bộ giữa hai tỉnh
thừa Thiên và Quảng Trị.
Để xác định và đặt đúng tên trở lại cho một con sông, một dòng chảy, không phải là điều dễ dàng khi mà sự nhầm lẫn kéo dài quá lâu. Điều này đã phần nào vùi lấp, mai một những dấu tích và tính xác thực. Tuy nhiên, để hệ dòng chảy này cũng như những tác phẩm viết về nó tiếp tục mang lại những giá trị văn hóa đẹp cho quê hương đất nước, trong hiện tại và mai sau, rất mong những nhà viết sử, địa lý sớm có những bước đi tiên phong, có động thái rà soát, hiệu đính trên những trang viết cũng như hệ thống bản đồ Quốc gia để trả các con sông trở về với đúng tên gọi của nó.
BR-VT,
03/10/2017
Hình
1: Qua ảnh vệ tinh vẫn thấy rõ đoạn sông bị mất trên
bản đồ (màu sậm).
Hình 2: Sông Thác Ma bị mất đoạn
từ phía Tây cầu Mỹ Chánh đến thượng nguồn; nhánh
chi lưu từ Câu Nhi đến Vân Trình bị xóa xổ hoàn toàn;
Sông Ô Giang và sông Vĩnh Định được ghi là sông Ô Lâu.