Tác giả Đỗ Hữu Hóa |
Sông Ô Lâu (còn có tên khác là sông Thu Rơi; sông Mỹ Chánh; sông Thác Ma) được bắt nguồn từ vùng núi Tây Trị Thiên hùng vỹ, rồi uốn lượn quanh co hiền hoà qua bao triền đồi bazan bỏng rát, âm trầm chảy qua các xã Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Hoà... thuộc huyện Hải Lăng nằm ở cực Nam của tỉnh Quảng Trị nơi tiếp giáp với các làng Mỹ Chánh, Mỹ Xuyên, Kế Môn, Đại Lược, Phước Tích... của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Từ xa xưa cho tới tận bây giờ, người đời vẫn quen gọi dòng sông Ô Lâu bốn mùa nước trong văn vắt này là dòng sông của những chuyện tình riêng đau, nên con nước dẫu đã nghìn năm vẫn cứ mãi phân vân xuôi chảy về biển Đông một cách lặng buồn như nước mắt của những người con gái...
Là người Quảng Trị, nên từ những năm tháng còn cắp sách đến học chữ ở trường làng, đôi lần tôi đã được nghe những người lớn tuổi kể về dòng sông Ô Lâu. Dòng sông mà trong ký ức hiểu biết của tôi bao giờ cũng mềm mại đáng yêu như một bức tranh thủy mặc, hiền hòa lưu giữ những vàng son, quê kệch của làng xưa thăm thẳm đến vô cùng...
Thế rồi, cho đến chiều nay, một buổi chiều bình yên, gió xào xạc rung từng đợt buồn lên mặt sóng của dòng Ô Lâu xanh thẳm, tôi mới có dịp về đứng bên dòng sông này trong đoàn những người đi điền dã để khảo sát về những làng nghề xưa nằm dọc theo dòng sông Ô Lâu đẹp như nước mắt...
Đêm. Giữa một ngôi làng nhỏ bé nằm về phía tả ngạn của dòng Ô Lâu, chúng tôi được dịp nghe một vị cao niên của làng kể lại câu chuyện tình buồn thương của một cô gái chèo đò ngang bên dòng Ô Lâu xưa với một anh học trò nghèo xứ Nghệ.
Chuyện kể rằng, một ngày xưa lắm, có anh học trò nghèo ở đâu tận miệt Quỳnh Lưu xa lắc, trên đường vào ứng thí ở Kinh đô. Khi đi qua bến đò ngang trên dòng Ô Lâu thì phải lúc ốm đau, trong tay không còn một đồng chinh lộ phí. Thương cảm trước cảnh ngộ của một đấng nam nhi có chí sách đèn, cô gái chèo đò bên sông Ô Lâu năm ấy đã e ấp giúp chàng trai kia từ bữa cơm dưa cà cho qua đận đói, cho đến mấy đồng lộ phí giắt lưng để tiếp tục hành trình mải miết chờ ngày ứng thí ở chốn Kinh đô.
Đáp lại tấm lòng thơm thảo của cô gái bên sông, anh học trò nghèo xưa cũng bùi ngùi gửi lại biết bao lời thề non hẹn biển. Họ ước nguyện sau khoa thi năm ấy, chàng sẽ quay về bên bến đò xưa để tìm gặp lại người con gái yêu thương đã chiếm giữ trái tim mình. Thế nhưng, sau cái bận đưa khách sang sông ấy, người học trò nghèo xứ Nghệ cũng theo tháng theo năm mà biệt vô âm tín... Bên bến sông quê, với cây đa, bến nước, con đò, người con gái cứ mỏi mòn chống sào chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng đớn đau. Rồi đến một ngày khi sức cùng lực tận, người con gái chèo đò bên bến Ô Lâu đành phải gửi lại nỗi chờ trông cùng cây đa, bến nước... mà xuôi tay về chốn cửu tuyền.
Oái oăm thay, khi trên nấm mồ của người con gái chèo đò bên bến sông kia cỏ chưa kịp xanh thêm, thì người học trò nghèo năm xưa nay công thành danh toại, võng lọng xênh xang tìm đường trở lại. Lặng yên đứng bên nấm mồ của người mình thương nhớ, chàng học trò nghèo năm xưa khóc thương cho đến cạn khô nước mắt. Rồi chàng khắc mấy vần thơ dang dở buồn đau đặt lên nấm mồ cô quạnh bên sông. Cũng từ đó, những câu thơ trên nấm mồ của người con gái bên dòng Ô Lâu được người đời nối tiếp nhau truyền tụng cho đến tận bây giờ:
“Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa, bến cũ con đò khác đưa
Con đò đã thác năm xưa..."
Cây đa, bến cũ còn lưa bóng người”Ở làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tôi còn được nghe kể một cách khá tường tận về câu chuyện tình của bà Nguyễn Thị Bích - vợ thứ hai của Hoàng đế Quang Trung. Bà Bích cũng là một người con gái được sinh ra ở ngôi làng nhỏ nằm ngay bên dòng sông Ô Lâu xanh mát. Một ngôi làng mà trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đã sản sinh ra nhiều người con tài đức để phụng sự cho Tổ quốc như vị tiến sỹ đầu tiên trong làng quan lại phong kiến ở miền Trung - Bùi Dục Tài, Tướng công Nguyễn Chánh, Đô đốc Phúc Long Hầu, Tham tướng Hoàng Bộ, Tống sứ Phạm Duyến, nhị vị Thượng thư Nguyễn Tăng Doãn - Bùi Văn Tú, danh y Trần Mậu... thời hiện đại sau này thì có nhạc sỹ - cựu Bộ trưởng Bộ VHTT - Trần Hoàn, Thượng tướng - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an - Nguyễn Khánh Toàn... với hơn 400 tiến sỹ, thạc sỹ và cử nhân hiện đang sinh sống và làm việc ở nhiều nơi trong và ngoài nước.
Theo sự chỉ dẫn của một người cao niên thuộc tộc Nguyễn trong làng, chúng tôi được tiếp xúc với hậu duệ của cụ Hồ Tranh - một con người rất am tường cổ sử. Ông Hồ Tranh là con trai của ông Hồ Tiểu Viện, một ông quan huấn đạo dưới triều vua Tự Đức. Ông Tranh từng kể cho con cháu nghe rằng: Cha ông thi đỗ tú tài năm 34 tuổi (1899), đến năm 41 tuổi (1906) thì thi đỗ cử nhân rồi được bổ làm quan huấn đạo tỉnh Bình Thuận. Hồi ông Tranh còn nhỏ, mỗi lần dạy học cho con, ông Viện thường kể cho con trai mình nghe về bà Nguyễn Thị Bích.
Theo hiểu biết của ông Hồ Tranh thì bà Bích là con thứ 16 của ông Nguyễn Cảnh - một ông quan danh tiếng dưới thời các Chúa Nguyễn. Bà Bích là một người con gái hiền thục, tài hoa, được ăn học tử tế. Khi lớn lên, bà theo cha vào làm quan ở Bình Định và cũng ở đó bà đã gặp rồi nên duyên cùng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Theo ông Tranh thì bà Bích dù là vợ thứ hai của Nguyễn Huệ nhưng lại trước công chúa Lê Ngọc Hân. Những năm tháng chung sống với người anh hùng này, bà Bích đã sinh hạ được một người con trai. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Nguyễn Huệ thường xuyên xông pha nơi trận tiền ác liệt, chứ chẳng mấy khi được an nhàn ngơi nghỉ ở chốn bình yên. Những lúc người anh hùng áo vải mải mê với vó ngựa trường chinh nơi biên thùy lửa khói, bà Bích vẫn một lòng một dạ ôm con chờ chồng nơi biên ải xa xăm. Nhưng, phận số của những người đàn bà nhan sắc thường rất đỗi đa đoan và cuộc đời của bà Bích cũng không là một ngoại lệ. Nguyễn Huệ không bỏ mình nơi chiến trường dưới làn tên mũi đạn của quân thù, mà ông đã chết khi chỉ mới vừa ngồi lên ngôi báu.
Tai họa lại ập xuống đầu bà từ sự truy lùng trả thù vô cùng dã man của triều đại Gia Long. Bà Bích vì thế mà đã phải cải dạng ăn mày, bồng con khăn gói trốn về quê nhà bên bến sông Ô Lâu để lánh nạn. Nhiều lần nghĩ quẩn, bà đã định bụng ôm con trầm mình xuống dòng sông đã tắm mát cho suốt tuổi thơ của bà để quyên sinh. Nhưng để bảo trọng giọt máu của hoàng đế Quang Trung nên nhiều cận thần Tây Sơn đã tìm cách đưa bà cùng con trai của mình trở lại Bình Định. Ở đó, bà đã sống những năm tháng cuối đời mình trong cảnh cơ hàn, ẩn dật cho đến khi nhắm mắt xuôi tay ở thôn Vĩnh An, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Còn có một câu chuyện tình bi thương khác nữa, cũng của một người con gái được sinh ra và lớn lên bên bến sông này, đó là câu chuyện tình của bà Dương Thị Ngọt. Bà Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, ông Xứng làm quan dưới triều nhà Nguyễn, ông từng được giữ chức viên ngoại lang ở Nha Thương trường. Năm 1885, sau cuộc chính biến ở Kinh đô Huế và tiếp đến là “kinh đô thất thủ”. Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra căn cứ Tân Sở. Thống tướng De Coucey đày Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính sang đảo Haiti, đồng thời sai ông De Champeaux lên Khiêm Lăng yết kiến đức Từ Dũ, xin lập ông Chánh Mông là Kiến Giang Quận Công lên làm vua lấy niên hiệu là Đồng Khánh.
Dưới thời Đồng Khánh, ông Xứng được thăng chức Lang Trung. Đến năm 1894, dưới thời vua Thành Thái, ông Xứng giữ chức Thái Bộ Tư khoanh rồi đến giữ chức Bố Chính tỉnh Khánh Hoà. Trên con đường hoạn lộ, dù làm gì, ở đâu ông Xứng cũng mang cô con gái rượu theo cùng, bà Ngọt càng lớn lên càng đẫy đà xinh đẹp. Vì vậy mà vua Thành Thái đã chọn bà để làm bà phi thứ 9. Sử sách kể lại rằng, bà Ngọt là một bà phi được vua Thành Thái hết mực thương yêu và sủng ái, vì vậy mà những bà phi khác trong cung hết sức ghen ghét với bà. Nhân một lần vua Thành Thái cắt tóc ngắn... vậy là các bà phi trong cung đã bày mưu tính kế để hại bà Ngọt, họ đã đánh lừa để cắt mất của bà Ngọt một nắm tóc, rồi tìm cách báo cho vua hay. Thấy vậy, vua Thành Thái gán cho bà mắc phải trọng tội khi quân nên đã xử chém bà. Thế nhưng, sau khi bà Ngọt chết, vua vẫn cho làm lễ mai táng bà hết sức chu đáo, đúng theo nghi lễ triều đình, xứng đáng với cái chết của một bà hoàng phi. Quan tài của bà được đưa xuống thuyền rồng rồi theo đường sông về bên bến Ô Lâu, với làng quê yêu dấu của bà ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Lăng mộ của bà được xây cất rất cẩn thận, trên bia mộ có khắc dòng chữ: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy thục thuận Dương thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại”. Sau khi xây cất lăng xong, vua còn cho 4 người từ phu túc trực trông coi lăng bà, cả 4 người này đều được nhà vua cấp phát ruộng đất và miễn tất cả các loại sưu thuế cho đến trọn đời. Tương truyền, sau cái chết oan uổng của bà Ngọt, vua Thành Thái vì thế mà muộn phiền nhiều hơn rồi ông giả điên để mưu đồ kháng Pháp. Nếu điều tương truyền ấy là sự thật, thì chắc bà Ngọt cũng sẽ mãi ngậm cười nơi chín suối vì cái chết của mình cũng hữu ích cho vận mệnh của quốc gia. Xã Hải Sơn giáp với làng Hội Kỳ của bà Ngọt là quê hương của bà Trần Thị Dương, người đàn bà đã xin phép chồng để đội tang đi lấy đầu của hai nhà chí sỹ yêu nước Thái Phiên - Trần Cao Vân bị Pháp tử hình ở cống chém An Hoà (TP Huế) mang về chôn cất ở một ngọn núi gần chùa Từ Hiếu bây giờ.
Sông Ô Lâu vẫn thế, suốt bốn mùa con nước mãi xanh trong, ai đó bảo nước sông đẹp như nước mắt của những người con gái, phải chăng câu ví von ấy được phát xuất từ những cuộc tình bi thương, khắc khoải của những người con gái đã được sinh ra, được tắm mát và đã lớn lên trên bến sông này. Biết bao nhiêu cuộc đời lụa là gấm vóc rồi cũng trở về với vĩnh hằng cát bụi, chỉ còn lại với đời những câu chuyện tình yêu đớn đau, tiếc nuối khôn nguôi... Rồi con nước Ô Lâu vẫn sẽ cứ nghìn năm mải miết, cứ nghìn năm thì thầm vào ngàn khơi vô tận của tình yêu.
ĐỖ HỮU HÓA