Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

TỪ MỘT NGÔI LĂNG MỘ CỔ TÌM VỀ TRUYỀN THỐNG MỘT DÒNG HỌ

                     
Tác giả: Yến Thọ - Lê Chí Tài
 


Từ ngã ba Mỹ Chánh, dọc theo dòng sông Ô Lâu/Ô Giang ngư­­ợc lên phía thượng nguồn chừng 5km đến địa phận xóm Trầm Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng có một ngôi lăng mộ cổ uy nghi, bề thế với một phong cách kiến trúc rất độc đáo và không kém phần quy mô so với nhiều lăng mộ vua chúa ngày xưa trên toàn khu vực Trị Thiên. Ðó là lăng mộ của một vị Ðội trưởng thuộc dòng họ Nguyễn Ðức có tên húy là Uyên, vốn là người ở xã An Thơ, tổng An Thơ, huyện Hải Lăng (nay là làng An Thơ, xã Hải Hoà, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), được xây dựng từ thời chúa Nguyễn.
Bao nhiêu năm qua rồi, mặc cho thời thế đổi thay, nhân tình dâu bể nhưng những bức tường thành, trụ cổng, bia đá, bệ thờ, nấm mộ... vẫn còn khá vẹn nguyên, trơ gan cùng tuế nguyệt, ẩn chứa trong lòng nó những điều còn chưa biét hết về thân thế chủ nhân và về truyền thống khoa bảng, nghiệp quan của một dòng họ danh giá trên đất Quảng Trị: dòng họ Nguyễn Ðức.


Từ những phát hiện về ngôi lăng mộ cổ...
Ngôi lăng mộ cổ nằm nổi hẳn bên sườn một quả đồi ở về phía hữu ngạn sông Ô Giang, cách khu dân cư­­ xóm Trầm Sơn chừng 800m về hư­ớng nam.
Trầm Sơn là một vùng bán sơn địa với các dải thung lũng hẹp nằm hai bên bờ sông, giữa những dải đồi trung sinh thấp và bồn địa trước núi. Ðây là một xóm/phường (cũng có thể được coi là làng) thuộc địa giới hành chính xã Hải Sơn - vốn là địa bàn tụ cư và sinh sống của một bộ phận cư dân Việt có gốc ở làng An Thơ (xã Hải Hoà) di cư lên phía tây để lập nghiệp từ những thế kỷ XVII - XVIII. Từ trong lịch sử, khu vực này không chỉ lưu danh bởi căn cứ địa cuộc khởi nghĩa của một vị quan tướng triều Mạc Hoàng Bôi (1531 - 1544), mà còn nổi tiếng bởi đặc sản chè Tước thiệt (chè lưỡi chim sẻ) - loại chè đến nay vẫn được dân gian quen gọi là chè Mỹ Chánh.
          Ngôi lăng mộ toạ lạc trên một địa thế gần như hội đủ các yếu tố của thuật phong thuỷ. Ðứng ở vị trí ngôi mộ, phóng tầm mắt nhìn ra bốn hư­ớng mới thấy ngư­ời x­ưa đã có một con mắt khá tinh tường khi lựa chọn địa cuộc này để làm nơi yên nghĩ vĩnh hằng cho tổ tiên của họ. Từ một quả đồi thoai thoải - dạng địa hình thềm bậc một của sông Ô Giang - nằm cận kề và nổi hẳn bên bờ sông về phía nam, người ta đã san phẳng một khu đất rộng ở mé trên triền đồi để giành cho việc xây dựng lăng mộ. Tiếp giáp phía sau quả đồi này là một dãy gồm những quả đồi lớn nhỏ có bình độ cao dần. Ðó chính là mặt sau - phần tựa lưng - hậu chẩm vững chắc cho khu lăng mộ. Hướng chính của khu lăng mộ mở ra về phía Bắc, “tọa Tốn, hư­­ớng Càn kiêm Ðinh Hợi” (1). Từ trên triền đồi nhìn ra phía trước, bên dưới là sông Ô Giang chảy ngang qua theo hướng tây - đông tạo ra một minh đường thoáng, rộng nhờ không gian tương đối bằng phẳng của dải thung lũng với ruộng vườn trù phú hai bên bờ sông hợp thành. Xa hơn về hướng bắc là một quả đồi t­ương đối lớn nằm ở vị trí chính diện tạo nên một tiền án khá chuẩn phía bắc sông. Ở về hai phía tả, hữu của khu lăng mộ có hai dải đồi thấp (dưới chân đồi có hai dòng khe) chạy theo hướng tây bắc - đông nam và đông nam - tây bắc chầu về tạo ra địa thế tả thanh long, hữu bạch hổ một cách trọn vẹn. Có thể nói, nhìn toàn cảnh, địa cuộc của khu lăng mộ trông như một bức tranh phong thuỷ hữu tình, có long mạch tiềm ẩn mà tạo hoá đã như sắp đặt sẵn một huyệt đạo trước khi nó được chọn để đặt mộ phần của vị Ðội trưởng họ Nguyễn Ðức. Có lẽ vì thế chăng mà nhiều thế hệ con cháu dòng họ này từ sau đó đã phát tích nhiều nhân vật không chỉ đã làm rạng rỡ tổ tông của chính họ mà còn đóng góp nhiều trí lực làm rạng danh cho quê hương, đất nước ? (!).
          Ðiều gây ấn tư­­ợng nhất về khu lăng mộ vị Ðội trưởng họ Nguyễn Ðức là sự quy mô, bề thế và sự tồn tại khá nguyên vẹn của các công trình cấu thành lăng mộ. Toàn bộ công trình chiếm một diện tích lên đến 400m2. Ðây có thể được coi là một trong số những ngôi lăng mộ cổ có quy cách xây dựng khá đặc biệt và có quy mô lớn nhất so với nhiều khu lăng mộ khác trên vùng Trị - Thiên dưới thời các chúa Nguyễn. Có thể tạm so sánh với một số khu lăng mộ cổ thời chúa Nguyễn ở Quảng Trị theo bảng sau:

TT
Tên di tích
Tổng diện tích công trình. 
Hình dáng vòng ngoài thành lăng.
1
Khu lăng mộ Trần Ðình Ân (Hà Trung - Gio Linh)
142m2
Hình chữ nhật
2
Khu lăng mộ thời chúa Nguyễn ở Văn Quỹ (Hải Lăng)
118m2
Hình chữ nhật
3
Khu lăng mộ Ðội trưởng họ Nguyễn Ðức (Trầm Sơn - Hải Lăng.
400m2
Hình chữ nhật (xếp chồng) ở phía trước và hình oval phía sau.
      
          Nhìn toàn cục, kiến trúc lăng mộ vị Ðội trưởng họ Nguyễn Ðức được cấu trúc gồm hai phần: Phần phía trước là một khoảng rộng, có thể xem như là khu vực bái đình, được tạo thành bởi hệ thống tường thành và cổng trụ có kích thước dày và rộng, có hình dạng như hai hình chữ nhật ghép song ngang, trùng khít với nhau và không có đường ranh giới, tạo ra một hình đa diện gồm 8 cạnh nằm về 4 phía. Nói cách khác, khu bái đình gồm hai lớp, lớp hình chữ nhật phía ngoài có cạnh dài hơn lớp hình chữ nhật phía trong. Phần phía sau có thể xem như là khu tẩm - nơi đặt nấm mồ chủ nhân cùng bia đá, được tạo thành bởi hai vòng uynh có hình oval. Với lối kiến trúc như vậy, từ ngoài cổng đi vào đến phần mộ phải đi qua ba lần cửa lăng với đoạn đ­ường dài gần 10m.
Ở khu vực bái đình phía trước, sau khi đi qua một đoạn dốc thoải là những bậc cấp dẫn vào cổng chính (rộng 2,97m) mở ra về phía trước với hai trụ cổng tạo dáng hình vuông (0,72 x 0,72 x 1,07m), bên trên đỉnh hình chóp. Nối liền hai trụ cổng về hai phía là đoạn tường thành thành án ngữ mặt tiền mỗi bên chạy dài 8,29m, cao 1m. Từ cổng chính đi vào khoảng gần 5m là đến hai trụ cổng mở ra về phía sau của khu bái đình cùng với hệ thống tường thành kéo dài về hai phía tạo ra lối dẫn (rộng 2,4m) để đi vào khu tẩm và cũng là đường giới hạn ngăn cách giữa khu bái đình phía trước và khu tẩm phía sau. Hai mảng tường thành bao bọc khu bái đình ở về hai bên được liên kết với nhau bằng 4 trụ vuông mỗi bên, có kích thước và hình dáng như trụ cổng, lượn theo đường gấp khúc tạo thành mỗi bên có hai góc vuông. Chính hệ thống tường thành chạy gấp khúc về hai phía cùng với hai mảng tường thành phía trước và sau (cao 1m, dày đến 0,82m) đã tạo cho khu bái đình thành một mặt bằng có hình đa diện với hai lớp hình chữ nhật (phía ngoài có cạnh dài hơn phía trong).
Ở khu vực tẩm phía sau, nhìn tổng thể có cấu trúc theo kiểu một vòng tròn khép kín hình oval, được tạo thành bởi hai vòng thành - uynh lăng, cách nhau một khoảng khá rộng (3,74m), có cửa mở ra khu bái đình phía trước; chính giữa là ngôi mộ. Vòng thành ngoài giữ vai trò như là hệ thống tường bao quanh (dày 0,82m), không được tạo dáng và cũng không được tô trát, ngoại trừ ý đồ cố tình tạo ra độ võng của hai vòng cung hai bên để nhằm làm cho bức tường thành có vẻ mền mại hơn bằng cách nâng cao dần chiều cao của tường thành từ 1m đoạn ở giữa lên 2,90m ở phía sau và 2,13m ở phía trước trụ cổng dẫn vào khu vực tẩm. Vì là cổng hậu của khu bái đình và là cửa chính (rộng 2,40m) đi vào khu tẩm, giữ vai trò liên kết hệ thống tường thành (thấp hơn) phía trước và hệ thống vòng uynh lăng (cao hơn) phía sau nên hai trụ cửa này có chiều cao vượt hơn hẳn các trụ khác (2,13m).  Hai trụ cổng này cũng dạng hình trụ vuông, đỉnh hình tháp nhọn như­ng đư­ợc xây thêm những phần tua dãi, góc gấp và xoắn trôn ốc tại nơi tiếp giáp giữa thành lăng và trụ cổng để tạo ra sự uy nghi, hài hoà của một ngôi lăng mộ có quy mô lớn. Bậc cửa  dưới chân hai trụ cổng được lát bằng một phiến đá sa thạch với kích thư­ớc: 40cmx13cm x1,64m. Vòng thành trong (cao 0,82m) chính là vòng uynh lăng bao quanh ngôi mộ, có cửa mở ra phía trước (rộng 2,4m). Khác với vòng thành ngoài, vòng uynh trong được tô vữa, tạo dáng công phu và mang tính mỹ thuật cao. Hai vòng cung hai bên tạo thành hình hai con rồng - giao cách điệu chầu về phía cửa vào mà mỗi đầu rồng - giao chính là đầu trụ cổng. Mô típ tạo hình là các vân xoắn trên thân và đường xoắn trôn ốc (3 lớp) ở đầu. Ðặc biệt, ở về phía trước hai bên trụ cổng, để phá thế cứng cỏi của vòng uynh, tạo ra tính đột khởi của trụ cổng nhằm làm cho nó mềm mại, uyển chuyển trong khuôn khổ bố cục cho phép, người ta đã nối dài thêm hai mảng tường thành bằng các mô típ trang trí vân xoắn được tạo dáng theo hình giao long nằm ngữa (giống như các đầu đao gắn trên bộ mái các đình, chùa), lượn bẻ gấp một góc chừng 200 so với vòng cung của uynh lăng, vươn ra phía trước, rẽ về hai bên thành lăng.
Ðáng chú ý là đoạn sau cùng của vòng thành ngoài và vòng uynh trong đều có một đoạn được xây cao và dày hơn hẳn các đoạn vòng thành - uynh khác (vòng ngoài rộng 4,2m, cao 2,9m; vòng trong rộng 1,56m, cao 1,2m tạo dáng như một cuốn thư trông như một bức bình phong để trấn giữ mặt sau của khu lăng mộ.
Nằm chính giữa trung tâm của vòng uynh phía trong (cách vách trong hơn 2m) là ngôi mộ của người quá cố - chủ nhân của khu lăng mộ - vị Ðội trưởng họ Nguyễn Ðức. Ngôi mộ có hình oval, được cấu tạo thành ba lớp theo dạng bậc cấp, nhỏ dần từ dư­ới lên (trung bình mỗi bậc cấp rộng 0,31m, cao 0,15m), được đắp bằng vôi vữa (vôi hàu). Nấm mộ phía bên trên hình nửa quả trứng, có chiều dài 2,07m, chiều rộng 1,47m, Phía trư­ớc ngôi mộ dựng một tấm bia bằng đá sa thạch hình chữ nhật có kích thư­ớc: 0,68 x 0,15 x 1,03 (hiện đã bị sứt một góc phía trên, bên phải). Mặt tr­ước bia đá được chạm trổ khá công phu, khéo léo với những đường nét uyển chuyển, dứt khoát. Trán bia trang trí hoa văn lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên diềm bia là hoa văn dây lá hoá long. Tấm bia đư­ợc đặt trên một bệ thờ bằng đá hình chữ nhật (0,75 x 1m), tạo dáng chân quỳ và trang trí những hoa văn dây leo ở ba mặt xung quanh. Chính giữa lòng bia khắc chìm một dòng chữ Hán (cỡ chữ 5,5cm): “Việt Cố Ðội trư­ởng như­ng Nguyễn hầu chi mộ”. Hai từ “Việt Cố” vốn là những từ th­ường đư­ợc dùng phổ biến dư­ới thời các chúa Nguyễn (2), những chữ còn lại xác nhận chủ nhân của ngôi mộ chính là vị cựu Ðội trư­ởng họ Nguyễn, đư­ợc phong tư­ớc “hầu”. Mặt sau tấm bia không có chạm khắc hoa văn, nhưng có một dòng chữ Hán ghi lại thời điểm tạo lập bia mộ: “Cảnh Hư­ng tam thập nhị niên tuế thứ Tân Mão thập nguyệt nhị thập tứ nhật tạo” (Lăng mộ được tạo lập vào ngày 24 tháng 10 năm Tân Mão, thời Cảnh H­ưng thứ 32 - tức năm 1771).
          Ngoài ra, trong khu vực tẩm, trên khoảng đất rộng giữa hai vòng thành lăng về phía bên phải còn có một miếu thờ; ở đó có bệ thờ bằng đá, bên trên dựng một tấm bia có ghi hai chữ Hán: Thổ Thần” được con cháu của người quá cố lập nên để thờ thần đất - vị thần trông coi phần đất, lăng mộ cho tổ tiên họ.
Kết cấu của hệ thống trụ, trụ cổng, tường thành, vòng uynh, nấm mộ chủ yếu được sử dụng bằng các chất liệu đá khác nhau như: đá phiến thạch, đá cuội, đá bazan... được kết dính bởi loại vữa truyền thống: vôi hàu + mật mía + nhựa thực vật. Hiện tại, có nhiều mảng trang trí, tô trát trong khu vực lăng mộ được sử dụng bằng vật liệu vữa xi măng; đó là dấu vết của những lần tu bổ, sửa chữa về sau này.
          Một điều không thể không nói đến là toàn bộ khu lăng mộ được đặt trên triền đồi nên để xử lý việc n­ước ứ lại về mùa m­ưa, nhất là ở bên trong thành lăng và xung quanh ngôi mộ, những người thợ xây dựng đã cố tình tạo ra một mặt phẳng có độ nghiêng nhất định về phía trư­ớc; đồng thời, tại các góc dưới chân thành lăng còn đặt một số máng bằng đá để thoát nư­ớc từ trong ra phía ngoài.  
          Bên cạnh lăng mộ được xây dựng quy mô, bề thế của vị Ðội trưởng họ Nguyễn Ðức như đã nói trên, ở mé triền dưới của quả đồi còn có thêm một số ngôi mộ khác thuộc con cháu dòng họ Nguyễn Ðức, có cùng cách thức, kỹ thuật nhưng có niên đại khởi tạo sau đó ít lâu và quy mô nhỏ hơn, hiện đã bị hư­ hại phần lớn. Ngôi thứ nhất nằm cách ngôi mộ của vị Ðội trư­ởng khoảng 100m về phía đông bắc. Dấu tích còn lại của ngôi mộ này là bốn trụ cổng, bức bình phong phía sau, một số đoạn thành lăng và nấm mồ. Tất cả chỉ tọa lạc trên một diện tích 80m2. Ngôi thứ hai và ba cách ngôi thứ nhất khoảng 300m về phía đông bắc. Hai ngôi này chỉ còn lại nấm mồ và một vài đoạn thành lăng, bình phong...
Như vậy, nhóm lăng mộ ở xóm Trầm Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng là nhóm lăng mộ đ­ược hình thành từ thời các chúa Nguyễn. Ðặc biệt, sự tồn tại còn nguyên vẹn và quy mô được xếp vào hàng lớn nhất trong khu vực (ít nhất là địa bàn Quảng Trị) của ngôi lăng mộ vị Ðội tr­ưởng Nguyễn hầu là một di tích quan trọng, có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật... cần được giữ gìn như là một di sản văn hoá của vùng đất Quảng Trị.
           ... Ðến một dòng họ có truyền thống khoa bảng, nghiệp quan
          Vị cựu Ðội trưởng họ Nguyễn Ðức - chủ nhân của ngôi lăng mộ như đã nói trên, ghi trong gia phả của dòng họ Nguyễn Ðức, làng An Thơ có tên là Nguyễn Ðức Uyên. Ông thuộc thế hệ thứ 8 kể từ khi vị thuỷ tổ của dòng họ này đến định cư trên vùng đất bên bờ bắc dòng sông Ô Giang/Lâu thơ mộng.
Làng An Thơ là một làng cổ được hình thành từ khá sớm trong lịch sử (nửa cuối thế kỷ XV). Dòng họ Nguyễn Ðức là một trong số những dòng họ được coi là tiền khai khẩn ra làng An Thơ, đến nay đã qua 24 đời. Ðây là một dòng họ vốn có truyền thống khoa bảng, nghiệp quan từ lâu đời. Trải qua nhiều thời kỳ, những người con dân trong họ đã có ngư­ời từng giữ chức Thư­ợng thư­, Chính dinh t­ướng thần, có ng­ười đỗ đạt tiến sĩ, có ngư­ời làm quan lớn ở các địa phư­ơng... Họ đã từng cống hiến nhiều trí lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước và bồi đắp ngày càng dày thêm truyền thống tổ tiên, họ mạc.
Nhà thờ họ Nguyễn Ðức là một công trình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học do nhiều thế hệ con cháu tạo dựng và hiện nay còn l­ưu giữ một số tư­ liệu rất quý; trong đó đáng chú ý là bản gia phả đư­ợc phụng soạn từ năm Cảnh Hư­ng thứ hai (1741) và bản gia phả từ thời Thành Thái thứ 12 (1900), bức bát quái có từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832)... và nhất là 15 bản khắc gỗ gắn trong nhà thờ ghi 15 bài thơ bằng chữ Hán (làm dưới thời Tự Ðức) có nội dung nói về việc đối nhân xử thế và khuyên dạy con cháu trong họ tộc noi theo việc nhân nghĩa... Tiêu biểu như bài thơ:
Vật như thiện đắc chung vị mỹ.
Sự đáo xảo đồ an hữu công.
          Bất tác phong ba ư thế thượng.
          Tự vô băng thán đáo hưng trung.
          Tai ương thu diệp sương tiền truỵ.
          Phú quý xuân hoa vũ hậu hồng.
          Tạo hoá phân minh nhân mạc hội.
          Khô vinh tiêu đắc kỷ hà công.
          Dịch nghĩa:
          Sự vật nếu khéo léo chiếm được rút cuộc mới là mỹ mãn.
          Việc do mưu mô xảo trá làm sao gọi là vì lợi ích chung.
          Chẳng nên gây sóng gió ở trên đời.
          Tự nhiên không có sự nóng lạnh ở trong lòng.
Tai hoạ sẽ như lá thu rơi rụng trước sương móc.
Giàu sang sẽ nở rộ như hoa xuân nở đỏ rực sau cơn mưa.
Tạo hoá vốn phân minh người ta chẳng mấy ai hiểu được.
Héo khô hay tươi tốt, hao tổn mấy kẻ biết được công lao (3).
Ngôi từ đường này đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp tỉnh theo quyết định số 2187/QÐ-UB ngày 15/7/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.
Thân phụ Nguyễn Ðức Uyên là Nguyễn Ðức Trạch, thân mẫu là Nguyễn Thị Thăng. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại, có 4 anh em (3 trai, 1 gái), lớn lên theo phò chúa Nguyễn. Người anh cả của ông là Nguyễn Ðức Phủ từng giữ chức Chính dinh Tư­ớng thần Lại ty Cai hợp (4), đ­ược phong t­ước Bình An tử.
Nguyễn Ðức Uyên từng làm quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chú (1725 - 1738), Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765), giữ chức Ðội trưởng. Rất tiếc là các tài liệu hiện có không thể cho biết gì thêm về việc ông làm Ðội trư­ởng của Ðội nào, ở đâu? (Rất có thể ông được các chúa Nguyễn cử giữ việc cai quản đầu nguồn Hải Lăng để đảm đương việc thu thuế, lệ đầu nguồn Ô Lâu như một hạt kiểm lâm bây giờ). Căn cứ vào niên đại khởi tạo của bia mộ hiện còn, có thể xác định năm mất của Nguyễn Ðức Uyên là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, trước năm dựng bia (1771) chừng một vài năm. Khi mất đ­ược phong Anh nghi Tướng quân Ðội trưởng, tước là Phương danh hầu (5) (hàng thứ hai trong hệ thống tước hiệu: công - hầu - bá - tử - nam).
Nguyễn Ðức Uyên có 3 người vợ, sinh hạ đư­ợc 9 ngư­ời con (vợ cả tên là Tình, sinh 2 con gái, 1 con trai; vợ thứ tên là Lâu, sinh 2 con trai, 1 con gái; vợ thứ ba tên là Sử, sinh 3 con trai). Những ngư­ời con trai của ông nhiều người đã từng giữ những chức vị quan trọng trong bộ máy chính quyền cuối thời chúa Nguyễn và đầu triều đại vua Nguyễn: Nguyễn Ðức Diễn làm ở Nha Thư­ợng bảo tự (cơ quan chuyên trách đóng ấn các cuộc thi Hội), phẩm trật là Thư­ợng bảo khanh, rồi giữ chức Chính dinh T­ướng thần Lại ty, tư­ớc là Hữu Ðức bá; Nguyễn Ðức Lưu từng là Quốc trụ, là quan của Nha Quang lộc tự (cơ quan chuyên lo lễ vật để tế, lễ, yến tiệc của triều đình), phẩm Thượng khanh, tư­ớc là Thục thận hầu; Nguyễn Ðức Hoảng nguyên là Tri phủ, tư­ớc Toàn Mỹ tử; Nguyễn Ðức Trị là Ðội trưởng, t­ước Vân Long hầu; Nguyễn Ðức Hạp là Tri huyện, tước Cần Giang tử... (6). Chính các con của Ðội trưởng Nguyễn Ðức Uyên nhờ vào thế lực của mình đã cùng nhau xây lăng mộ cho cha. Ðiều này lý giải vì sao lăng mộ của một vị Ðội trưởng lại có quy mô tầm cỡ có thể sánh ngang hàng với các quan đại thần và vua chúa đương thời; trong khi đó vị trí lăng mộ lại nằm ở một nơi xa xôi, hẻo lánh, việc vận chuyển nguyên vật liệu vô cùng khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải tốn nhiều vật lực, tiền của. Mặt khác, ở vào thời điểm này (năm 1771) vùng đất Thuận Hóa đang là nơi xảy ra các cuộc chiến tranh giữa Trịnh và Nguyễn, Trịnh - Mạc, ngoại xâm từ phía tây... nên việc xây dựng lăng mộ quy mô lớn chư­a bị triều đình cấm đoán.
Ngoài những người con của ông Nguyễn Ðức Uyên, trong toàn dòng họ Nguyễn Ðức có rất nhiều nhân vật khá nổi danh qua các thời kỳ; có người tên tuổi của họ đã đi vào chính sử của dân tộc.
Một ngư­ời của họ Nguyễn Ðức cùng đời với các con của Nguyễn Ðức Uyên là Nguyễn Ðức Thuần đã từng giữ chức Chính dinh Tướng thần Lại ty Thủ hợp, tước hiệu Cẩn đức tử. Ðến đời thứ 10, họ Nguyễn Ðức có gần 10 người làm quan cho triều đình nhà Nguyễn như­ Nguyễn Ðức Vĩnh chuyên lo về huyện sự ở tỉnh Nghệ An; Nguyễn Ðức Hoàng ở Hàn Lâm viện; Nguyễn Ðức Thù, Tứ, Triệt, Tuấn, Dũng, Tân, Trạc... đều có t­ước “hầu”, “tử”, bá”, giữ các chức quan ở trong triều đình hoặc các địa ph­ương.
          Ðặc biệt, đến đời thứ 11, có Nguyễn Ðức Hoạt tuy chỉ đỗ Cử nhân (khoa Ất Dậu - Minh Mạng thứ 6 - 1825) (7) như­ng đã từng làm quan đến chức Thượng thư­ bộ Binh kiêm Tả đô Ðô sát viện (Cơ quan tham mư­u tối cao cho nhà vua), rồi làm Tổng đốc Gia Ðịnh - Biên Hòa, Ðề đốc Quân vụ...
          Khoa thi Ðình năm Ất Mùi (Minh Mạng thứ 16 - 1835), dòng họ Nguyễn Ðức vinh hiển có Nguyễn Ðức Hoan (đời thứ 12) đỗ Ðệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân lúc 31 tuổi, giữ chức Biên tu Hàn lâm viện, rồi làm Tuần phủ phủ Khánh Hòa (8).
          Tiếp theo, khoa thi Ðình năm Ðinh Mùi (Thiệu Trị thứ 7 - 1847), họ Nguyễn lại có thêm Nguyễn Ðức Tư­ (còn gọi là Ty - đời thứ 12) đỗ Tiến sĩ năm 33 tuổi, sau đó thăng thụ Tri phủ phủ Tĩnh Gia (9).
          Con của Thư­ợng thư­ Nguyễn Ðức Hoạt là Nguyễn Ðức Duật (gia phả bản chữ quốc ngữ ghi là Mậu) đã đư­ợc vua Minh Mạng chọn làm Phò mã cho An Phúc công chúa Thận Huy, con gái thứ 23 của vua Thiệu Trị, được phong là Phò mã Ðô úy, sau này hai ng­ười mất, đ­ược vua ban hợp thờ ở đền Thân Huân (10). Cũng ở đời thứ 12 này, còn có Nguyễn Ðức Chuẩn làm ở Ty phiên Quảng Bình; Nguyễn Ðức Hiển là Thị giảng Hàn lâm viện...
          Ðời thứ 13 có Nguyễn Ðức Vỹ hàm Tam phẩm, Thiếu khanh ở Nha Quang lộc tự. Ðời thứ 14 có Nguyễn Ðức Ðàn đỗ Cử nhân, phẩm là Hồng lô Tự khanh, giữ chức Tri huyện Hoài Ân... Ngoài ra còn rất nhiều ngư­ời trong dòng họ từng làm quan ở các địa phư­ơng trong cả nư­ớc.
          Ðiều lý thú là nếu như­ đời nào của dòng họ Nguyễn Ðức cũng có ngư­ời đàn ông đỗ đạt, làm quan thì con gái dòng họ này cũng có nơi nư­ơng tựa thật “môn đăng hộ đối”. Nguyễn Thị Kiên (đời thứ 12) lấy Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển; Nguyễn Thị Cầm là vợ của Tổng đốc An - Hà Hoàng Thu; Nguyễn Thị Thuận là phu nhân của Tuần phủ Quảng Trị Cao Hữu Sung; Nguyễn Thị Biện được gả cho Gia hưng quận vư­ơng Hồng Hựu, con của vua Thiệu Trị; Nguyễn Thị Thiện làm vợ của Tuần vũ Phong Xuyên Nguyễn Ðình Thiêm.
          Ðời thứ 13 có Nguyễn Thị Cầu đ­ược gả cho Hoài đức Quận vư­ơng Miên Lâm, con trai thứ 57 của vua Minh Mạng; Nguyễn Thị Vọ gả cho Ðịnh Viễn Quận v­ương, Nguyễn Thị Ðề gả cho hoàng tử Hồng Hoằng... Và lý thú hơn nữa là Tuy lý vư­ơng Miên Trinh, con trai thứ 11 của vua Minh Mạng, một ngư­ời làm thơ phú nổi tiếng của triều Tự Ðức cũng đã chọn cô gái họ Nguyễn Ðức tên là Nền (có bản gia phả ghi là Niên) lấy làm vợ (11)...
          Kế tục truyền thống của ông cha, các thế hệ sau này của dòng họ Nguyễn Ðức đã ra sức học tập, xây dựng quê hư­ơng, đất nư­ớc. Từ sau 1975 đến nay, dòng họ Nguyễn Ðức đã có rất nhiều ngư­ời công thành danh toại. Hàng chục bác sĩ, kỹ sư­, cử nhân của họ Nguyễn Ðức đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất n­ước, nhiều vị đã và đang giữ nhiều chức vụ lãnh đạo ở một số ngành như­ Tổng Công ty Dư­ợc Việt Nam, Khu gang thép Thái Nguyên, Trư­ờng Ðại học Bách khoa Hà Nội, Bệnh viện Y học dân tộc Bình Trị Thiên, LHXN Ðư­ờng sắt Bình Trị Thiên...
*
*      *
Từ chuyện phát hiện thêm những điều còn ít được biết đến về nhóm lăng mộ cổ thời chúa Nguyễn ở Trầm Sơn (Hải Sơn, Hải Lăng) đến việc tìm hiểu truyền thống khoa bảng, nghiệp quan của một dòng họ đã mang lại những nhận thức mới và đầy đủ hơn về những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hoá của một vùng đất phía nam Quảng Trị, bên dòng sông Ô Lâu. Các giá trị tiềm ẩn trong khu lăng mộ đã không chỉ cung cấp nhiều thông tin bổ ích về qui cách, kỹ thuật, nghệ thuật xây dựng lăng mộ đương thời mà còn góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử của công cuộc mở mang vùng đất phía tây Hải Lăng từ những thế kỷ XVII - XVIII. Bên cạnh đó, những giá trị truyền thống quý báu của một dòng họ danh tiếng với những nhân vật lịch sử từng có những vai trò khá quan trọng dưới thời phong kiến trải nhiều thời kỳ đã được liên tục lưu giữ, kế thừa qua từng thế hệ không chỉ là những t­ư liệu bổ ích, giúp cho việc tìm hiểu một cách đầy đủ hơn về nét đẹp của con người Quảng Trị mà còn góp phần tăng thêm niềm tự hào về truyền thống quê hương. Từ đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Vùng đất Quảng Trị là nơi đã từng bị bao cuộc chiến tranh khốc liệt tàn phá; các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể từng bị mất mát, hư hại khá nhiều. Vì vậy, sự tồn tại một cách khá nguyên vẹn cho đến tận ngày nay của những di tích như­ khu lăng mộ cổ ở Trầm Sơn, nhà thờ họ Nguyễn Ðức cùng nhiều di vật lịch sử, văn hoá khác thuộc dòng họ Nguyễn Ðức ở làng An Thơ, xã Hải Hoà xứng đáng được coi là những di sản văn hoá cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy./.


------------------
Chú thích:
(1) Dẫn theo: Gia phả của họ Nguyễn Ðức ở làng An Thơ, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng - Bản chữ Hán lập năm Cảnh Hư­ng thứ hai (1741), hiện đang được l­ưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Ðức.    
(2) Xem thêm: Nguyễn Hữu Thông. Nhóm lăng mộ thời các chúa Nguyễn mới phát hiện ở Quảng Trị. X­ưa và nay, số 100 tháng 9/2001, trang 21.
(3) Theo: Những bài thơ cổ ở nhà thờ họ Nguyễn Ðức. Hoàng Hồng Cẩm dịch. Tài liệu đánh máy vi tính. 2003. Bản lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Ðức.
(4) Theo Ðại Nam thực lục tiền biên (tr. 47) thì vào năm 1614, bắt đầu đặt Tam ty (Bộ máy hành chính của một địa phương tương đương cấp tỉnh) gồm Ty Xá sai, Ty T­ướng thần lại và Ty Lệnh Sử.
(5), (6). Theo Gia phả họ Nguyễn Ðức. Tài liệu đã dẫn.
(7). Theo: Gia phả họ Nguyễn Ðức. Bản soạn năm Thành Thái thứ 12. 1900. Hiện lưu giữ ở nhà thờ họ Nguyễn Ðức.
(8), (9). Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế. Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn. Nxb Thuận Hóa, 2000.
(10) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam liệt truyện (Nhị tập, Quyển 8). Nxb Thuận Hóa,  1997, tr. 163.
(11). Theo: Gia phả họ Nguyễn Ðức. Bản soạn năm Thành Thái thứ 12. Tài liệu đã dẫn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét