Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Làng buồn nơi thượng nguồn Thác Ma




Nguồn:  Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.
http://www.giaoduc.edu.vn/lang-buon-noi-thuong-nguon-thac-ma.htm


Nằm về phía thượng nguồn sông Thác Ma, từ hàng chục năm nay việc đi lại của 40 hộ dân ở thôn Khe Mương, xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đều phải… lội sông!

Mùa nắng, nước cạn, việc đi lại còn tương đối dễ dàng. Mùa mưa, hoặc ngồi bó gối ở nhà, hoặc đánh cược sinh mạng của mình mới có thể sang sông. Không ít trường hợp trượt chân suýt chết đuối, có trường hợp trẻ em đành bỏ học vì điều kiện đi lại quá khó khăn…

1. Ngược quốc lộ 1A, qua trung tâm xã Hải Sơn tầm 10km về phía Tây, chúng tôi tìm đến thôn Khe Mương. Những người nông dân đang cắm cúi cuốc tơi đất để trồng sắn (khoai mì). Thấy khách lạ hỏi đường, mọi người liền dừng tay cuốc, tận tình chỉ bến sông - nơi thôn Khe Mương bị chia đôi bởi dòng Thác Ma. Họ không quên hỏi khách: “Bao giờ bà con có cầu để đi?”.

Chờ suốt 3 giờ đồng hồ nơi bến sông, đoạn chia đôi thôn Khe Mương, chúng tôi thấy không một bóng người qua lại. Bến vắng. Thi thoảng có vài người phụ nữ cao tuổi ra bến sông giặt giũ. Thấy chúng tôi đợi lâu, bà Trần Thị Lài (63 tuổi) nói: “Bây giờ bà con đang đi làm đồng, đến tối mịt họ mới trở về. Muốn sang sông chỉ có cách đợi đến lúc đó để lội cùng bà con, hoặc thấy chiếc thuyền nào đi đánh cá đêm qua lại thì xin quá giang, mà cũng hiếm lắm. Năm nay nước lớn nên việc qua sông khó khăn hơn”.

Bà Lài cho biết thêm, nhiều khi sáng đi làm thì trời nắng, chiều về mưa tầm tã làm nước sông dâng cao. Vì vậy bà con cứ ngồi miết bên sông đợi có thuyền ai ngang qua để đi nhờ. “Tui có vài sào đất bên kia sông, có hôm nước dâng cao, ông nhà tui đứng bên này trông qua, còn tui ngồi bên kia trông lại, trời rét như cắt ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ, khi có thuyền chài đi ngang tui mới đi nhờ về được”, bà Lài kể.

Khổ thế nhưng bà Lài bảo, không thể bỏ ruộng vì có mảnh ruộng thì người dân mới có được củ sắn, thúng lúa duy trì cái ăn và chăn nuôi quanh năm.

2. Ông Trần Quang Hải, Trưởng thôn Khe Mương, cho biết: “Toàn thôn có 70 hộ dân với gần 700 nhân khẩu thì phía bờ Nam sông Thác Ma có đến 40 hộ dân sinh sống. Từ bao đời nay, người dân đi làm ruộng đều trong cảnh lội… sông. Mùa hè nước cạn, bà con qua lại chăm nom ruộng vườn, hỏi thăm nhau tương đối thuận tiện. Còn mùa mưa thì gần như tách biệt. Chỉ có cánh thanh niên khỏe mạnh dùng bè chuối hoặc đánh liều bơi qua sông. Nhiều người dân đi làm về lội sông buổi tối trời lạnh nên trượt chân, bị nước cuốn trôi suýt chết đuối. Mỗi lần có họp hành thì thôn phải thuê đò để đưa bà con sang”.

Theo nhẩm tính của người dân trong thôn Khe Mương, đã có ít nhất 5 người chết đuối ở khúc sông này. Nhưng không ai bỏ ruộng, bỏ làng vì diện tích đất nông nghiệp rất ít, nếu bỏ ruộng, họ không biết mưu sinh bằng nghề gì. Vả lại, thôn đã có hàng trăm năm, thậm chí Khe Mương từng là nơi hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ lão thành, được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử. Vì vậy không ai muốn bỏ mảnh đất cha ông đã dày công khai khẩn.

3. Đến thôn Khe Mương, câu chuyện buồn nhất của người dân nơi đây có lẽ là con đường học hành của trẻ em. Ông Trần Quang Hải cho biết, những năm trước, để trẻ học được cái chữ, các bậc phụ huynh thay nhau cõng con sang sông và đón con về mỗi ngày. Sau mùa lũ năm 2009, thôn được cấp trên cho một chiếc thuyền để đưa đón học sinh qua lại. Nhưng được một thời gian thì thuyền bị thủng, chèo được vài nhịp nước lại tràn vào. Bà con nghèo, kinh phí thuê người chèo đò đưa đón con em mỗi ngày đã khó, nên không có tiền tu sửa. Thế là đành phải tiếp tục… lội. Năm 2012, một học sinh lớp 2 tên Hồ Xuân Chiến tan học, đợi bố mẹ quá lâu nên lội liều. Thế là trượt chân trôi mấy trăm mét. May thay thuyền chài đánh cá phát hiện và vớt được. Bà con trong thôn một phen hú vía. Không thể theo con mỗi ngày nên năm học này, các bậc phụ huynh không cho con sang sông nữa mà cho đi men theo con đường cấp phối qua thôn Tân Lý (xã Hải Sơn) rồi tiếp tục băng qua Mỹ Chánh vòng lại trung tâm Hải Sơn để học. Quãng đường vì thế xa hơn vài cây số.

Chấp nhận đi xa thêm vài cây số, sự học của con em thôn Khe Mương đỡ nguy hiểm hơn. Nhưng không phải vậy! Con đường cấp phối từ Khe Mương qua Tân Lý được đầu tư 20 triệu đồng qua vài mùa mưa nắng đã xuống cấp. Cách nay vài tháng, một học sinh trong thôn đi học về, xe mất lái khi đang xuống dốc. Cú ngã khiến em phải khâu mấy chục mũi chi chít trên gương mặt. Một em khác ngồi sau xe cũng phải khâu hơn chục mũi. Sau khi ra viện, dù bố mẹ có động viên đến đâu, cậu bé ấy cũng không chịu đến lớp, phần vì con đường đến trường quá vất vả, phần khác vì ngại bởi khuôn mặt đầy sẹo. Ông Trần Quang Hải cho biết: “Sự học của con em trong thôn Khe Mương chịu nhiều thiệt thòi. Tình trạng học sinh học xong cấp 2 rồi nghỉ ở nhà vẫn còn nhiều. Trẻ mầm non thì phụ huynh gửi qua thôn Tân Lý hoặc gửi về quê ngoại, nội nơi gần các trường mầm non để theo học. “Nhiều cuộc họp cử tri, bà con đưa ý kiến mong muốn được hỗ trợ xây cầu, nhưng rồi vẫn cứ chờ đợi”.
Chiều buông. Những người phụ nữ sau một ngày làm việc, vội vã bê mớ rau rừng ra mé sông nhặt nhạnh chuẩn bị bữa cơm chiều. Sông vẫn đổ về xuôi, như chứng nhân ôm vào mình những giấc mơ gửi gắm của bao người dân thôn Khe Mương về một cây cầu nối đôi bờ Thác Ma!

Bài của Hàn Giang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

TRUYỀN THUYẾT SÔNG THÁC MA - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

TRUYỀN THUYẾT SÔNG THÁC MA
Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

- Có thích ăn thịt heo rừng không?
Thằng bạn nhà báo gọi tôi.
- Thích. Mầy đang ở đâu?
- Sài Gòn. Nhưng tao mời mầy ăn thịt heo rừng ở thượng nguồn sông Thác Ma.
- Thác Ma ở đâu?
- Thác Ma còn gọi là sông Mỹ Chánh chảy qua làng mầy mà mầy không nhớ hả?
- Biết đâu còn có sông Thác Ma nơi khác.
- Cái tên dễ sợ vậy mà ai dám đặt. Chỉ có ở Quảng Trị mình thôi.
- Vậy lúc nào mầy về?
- Chiều thứ sáu tới mầy phải có mặt ở Quảng Trị để sáng thứ bảy là đi.

Thế là sáng thứ bảy đầu tháng Sáu năm ngoái, hai thằng  tôi đi xe máy thồ từ Mỹ Chánh theo con đường dọc bờ sông hướng về phía tây mà tiến. Đi đến trưa thì nghỉ và chuyển sang đi bộ vì đến đoạn xe máy không thể chạy được. Tôi chẳng mấy khi đi bộ băng rừng, thấy đường này ngán quá, nhưng bạn tôi, vốn là dân hướng đạo, nói đường này đối với nó cũng như đường làng, chẳng nhằm nhò gì, và động viên tôi cố lên. Thế là tôi đành phải theo. Đi bộ leo núi gần hết buổi chiều mới đến được trang trại của anh Đoàn, một người quen của bạn tôi.

Đó là một khu đồi khá bằng phẳng mà anh dùng để nuôi loại heo lai giữa heo rừng và heo nhà. Heo thả đi kiếm ăn tự do. Chúng ăn bất cứ côn trùng nào kiếm được, và giống như chó, chúng còn thích phân người. Mỗi lần ra rừng đi ngoài, nhớ mang theo cây gậy, vừa ngồi vừa huơ huơ, nếu không thì có thể bị heo húc từ phía sau để tìm thứ chúng thích.

Buổi tối ngồi bên bếp lửa hừng hực, vừa nhắm rượu ngoại mà bạn tôi công khó mang từ Sài Gòn, vừa nhai thịt heo nướng ướp củ nén thơm phức. Mùi rượu, mùi thịt nướng, mùi nén quyện vào nhau thành một thứ ngon không thể tả. Và càng ngon hơn vì biết chắc thứ thịt heo này 100% không có chất bảo quản hay thuốc tăng trọng như thịt heo ở thành phố.

Sau chuyện thịt heo, tôi hỏi anh chủ trại vì cớ gì mà người ta đặt tên con sông ở đây là Thác Ma, nghe dễ kinh. Tôi cũng phân bua rằng mặc dù tôi sinh ở vùng này nhưng chỉ ở đây gần 15 năm, mà ở xa quê đến 40 năm, nên không có thì giờ để tìm hiểu hết mọi thứ.

Có vẻ bắt trúng đài nên anh chủ trại rót rượu đầy cốc, hô cạn chén, và bắt đầu kể. Anh chủ trại cho biết chuyện anh sắp kể được truyền miệng từ ông vãi của anh, người đã tham gia trong loạn Chày Vôi của Đoàn Trung- Đoàn Trực và phải bỏ lên rừng sống với người Kờ-tu ở vùng biên giới Việt Lào.       

***

Mụ C’Lâu chết ở tuổi bảy mươi. Vào lễ khâm liệm, lúc sắp bỏ vào hòm, người nhà phát hoảng khi bỗng nghe mụ kêu khát nước. Nhà đám chuyển từ lễ tang sang lễ ăn mừng bà nội sống lại.

Đúng vào ngày hôm đó, trong buôn làng có một cái chết rất thương tâm của một cô gái tên là Riah.

Cha Riah là người chuyên săn bắn và mang thịt xuống miền xuôi để bán. Một người từ bên kia biên giới nhờ lão chuyển những gói chứa chất dẻo màu nâu như phân gà sáp cho một người khác ở nơi lão đến, và để trả công, lão được biếu không một gói, được dặn là bỏ vào thuốc lá hút cho khỏe người. Lão không biết rằng đó là thuốc phiện và càng hút lão càng nghiện, lão phải bỏ tiền ra mua. Nương rẫy lão cầm cố hết, đến hồi phải đưa con gái là Riah vào ở đợ cho nhà Alang, một người giàu có trong buôn, để lấy tiền mua thuốc phiện. Aviet, một chàng trai con nhà nghèo cũng đang ở đợ nhà Alang, đem lòng yêu Riah. Thế nhưng mối tình đó vỡ tan khi cha Riah bắt nàng về bán cho người ta để trừ nợ thuốc. Riah bỏ trốn cùng với Aviet đến sống trong một nhà Zơng trên một đám rẫy bỏ hoang. Cha Riah đi tìm và bắt nàng về. Khi đi ngang qua Vực Kè, nàng nhày xuống tự tử. Dưới bờ vực sâu hơn trăm mét là một thác nước chảy xiết, cuốn xác nàng không biết về đâu.

Kể từ sau cái chết của Riah, đêm nào Aviet cũng đến ngồi trên Vực Kè, gọi tên nàng và khóc lóc thảm thiết. Anh ngồi đó đến nửa đêm mới về nhà Alang. Một đêm, lúc sắp ra về, dưới ánh trăng thượng tuần hư ảo, anh khi lạnh người khi thấy một bóng người đang đi về phía anh. Lúc đầu anh nghĩ là ma nhưng đến gần anh biết đó là người, và không ai xa lạ, chính là mụ C’Lâu vừa mới mất và sống lại cách đó vài hôm.

- Này mụ C’Lâu. Mụ đi đâu vào giờ này?
- Không phải là mụ C’Lâu đâu anh. Em chính là Riah  đang mượn xác mụ C’Lâu để về với anh đây. Thân xác mụ bây giờ đã trẻ lại mấy chục tuổi rồi nhờ có linh hồn của em. Không tin anh hãy ôm em đi.

Hai bóng quyện vào nhau, khóc rồi cười, cười rồi khóc cho đến khi gà rừng gáy sáng mới chia tay.

Kể từ ngày Mụ C'Lâu sống lại, người nhà thấy mụ mỗi ngày một trẻ ra, da thịt căng và hồng hào như con gái. Đặc biệt là mụ cấm khẩu, không nói một lời. Không ai phát hiện mụ ra khỏi nhà vào ban đêm vì không ai dám ngủ gần mụ, sợ rằng mụ sẽ bắt về cõi âm. Thế nhưng, vào đêm thứ bốn mươi chín sau ngày mụ sống lại, một người cháu trai tình cờ phát hiện và đi theo mụ. Anh thấy mụ đi về phía Vực Kè và một người thanh niên đang ngồi ở đó chờ mụ. Người đó là Aviet, người yêu của Riah, cô gái đã tự tử trước đó bốn mươi chín ngày. Hai người ôm nhau tâm sự, khóc cười, lăn lóc trên kè đá, quên hết trời đất. Đến khi trăng sắp lặn và gà rừng gáy sáng thì bỗng cả hai ôm nhau nhảy xuống bờ vực. Người cháu chạy lên bờ vực ngó xuống, không thấy gì ngoài bóng tối. Lẫn trong tiếng thác nước réo ầm ào, hình như vẫn còn nghe tiếng tiếng khóc tỉ tê, tiếng cười man dại ma quái dội vẳng lên từ vực sâu. 

NKP


Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

CHÙM THƠ HIẾN MINH



Ngày Cuối  Đời cha

Cha đi trăng ẩn giữa vòm mây
Tám sáu xuân trôi đến một ngày
Chống gậy trúc quanh từng ngõ xóm
Viếng bà con cạnh lối tường xây
An nhiên chờ đợi con xa ngái
Tự tại nằm trông cánh hạc bay
Một cuộc viễn ly trong thực mộng
Ngàn năm khuất Núi Thái cao dày!

Hiến Minh. 31/08/2018


Thuốc Thời Gian
                 Hiến Minh
Khốn nỗi ai kia cứ hợm mình
Ngông nghênh trò diễn tưởng là vinh
Thương con mắt xốn trông nghịch cảnh
Xót lỗ tai ê chuyện bất bình
Tiền bẫn mua đâu lòng tự trọng
Danh quàng lẫn tránh bóng từ minh
Thời gian hy vọng thang thần dược
Hoá kiếp hoàn lương nhóm động kinh.  


   Vu Lan Nhớ Mẹ
        Hiến Minh
Mẹ mất! Chim xao cánh giữa trời
Quê hương. Một nửa vỡ trong tôi
Ô Lâu từ đó trôi hiu quạnh
Ngõ xóm bây giờ bước lẽ loi
Cỏ mọc sân rêu vàng lá đổ
Nhện giăng hiên vắng hẫm tường vôi
Cõi tiên người có buồn gia thế
Phù đỡ đàn con giữa sóng khơi .-

       

               
Thư Người Khuất Bóng
Tưởng nhớ một nhân cách lớn - người chú của tôi.
                             Hiến Minh
Thư chú, Con lưu từ bấy giờ ...
Hạ Long ... ngày ...tháng ... Hoá thành mơ!
Trần gian giấc mộng vòm mây ái
Gia nghiệp phù hư gợn sóng xô
Sợi nhớ đan xen từng nét chữ
Bóng thương mường tượng những dòng thơ
Đêm đêm nhớ chú con lần đọc
Mười bảy năm tâm tưởng chẳng nhoà.

                          **

Tâm tưởng chẳng nhoà phai chú ơi ...
Ân tình cốt nhục giữa lòng tôi
Quảng Ninh còn dấu hoa hồng cát
Bãi Cháy lần trang giấy trắng vôi
Hoa cát nung lòng sầu cách trở
Sông đời mơ ảnh ngóng buồm trôi
Trang thư. Con hẹn về thăm mộ ...
Đốt nén hương dâng tấu giữa trời.


Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

HUYỀN THOẠI SÁU DÒNG SÔNG - Nguyễn Khắc Linh Vũ

Sông Ô Lâu  nhìn từ Lương Điền.
Tất cả ảnh trên trang này của Mai Lình

HUYỀN THOẠI SÁU DÒNG SÔNG 
Bài thơ ngày cũ 
Nguyễn Khắc Linh Vũ 

Kiệu hồng xoay chuyển Trời Ô Ri
Qua sáu dòng sông luống ngậm ngùi
Của sính hồi môn tình Chua Chế.
Đồ Bàn trăm Họ có buồn vui
Qúa giang Bến Hải vời Non Nước
Sông Hiếu duyên sâu gởi một đời
Bước nặng gót hài qua Thạch Hãn
Thượng Hoàng ơi. Giá của khuê khôi .
Đường qua Mai Lĩnh ...Tình Lang hỡi
Vĩnh Định chừ sang lỡ hẹn rồi
Mai đến Trường Sanh vào Đât Ri
Ô Lâu còn ngại Thác Ma Hời
Khuynh thành gió cuốn rèm man mác
Khuynh Quốc Trường Sơn thẩm một màu
Cả sáu Dòng Sông về Đại Việt
Giai nhân «hê» gót ngọc nén tình sâu
Bảy trăm năm lễ còn vang bóng
Sáu bận đa giang động một thời
Cứ mỗi đời nghe huyền thoại cũ
Giai nhân «hê» Công Chúa Việt Ta ơi.

Năm Bính Ngọ 1306, tháng sáu, niên hiệu Hưng Long thứ 14, theo ý chỉ của Phụ Hoàng Trần Nhân Tôn, Vua Trần Anh Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân.Vua Chiêm đem đất Châu Ô và Châu Ri làm của dẫn cưới. Ngoài ra còn có nhiều hương qúy, bạc vàng, của lạ.
Sài gòn 2007. 

Nguyễn Khắc Linh Vũ


Sông Hiếu

Sông Vĩnh Định


Sông Đak-rông


CHIA SẺ - Vũ Hùng / THẮP NÉN TÂM HƯƠNG - Trần Ngộ / Ô LÂU THÊM TÌNH BI SỬ - Kẻ Văn



CHIA SẺ

Đại hỷ ai ngờ hóa đại tang,
Chuyến xe định mệnh quá bàng hoàng,
Hải Lăng chú rể tim ngừng nghỉ,
Phù Mỹ cô dâu lệ ngập tràn.
Nhức nhối nỗi đau lan mặt báo,
Tái tê tiếng khóc phủ ngôi làng(*)
Chuyện đời khó đoán điều may rủi
Chia sẻ đôi dòng một nén nhang!
Sài Gòn,02.08.2018
Vũ Hùng
(*)Thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị: 13 người chết.

***

THẮP NÉN TÂM HƯƠNG

Thắp nén tâm hương bái vọng hồn
Mây trời tang tóc phủ Lương thôn
Tai xui ai đã con xa mẹ
Nạn cướp người đang vợ mất chồng
Hai họ đau lòng rưng lệ ngấn
Xóm làng cám cảnh giọt châu tuôn
Than ôi ! Đại hỷ màu tang trắng
Khắp chốn chia buồn dạ xót thương
Trần Ngộ
2 .8 .2018


Bái vọng mười ba linh hồn về miền cực lạc.

***



KÍNH DÂNG CHƯ HƯƠNG LINH GẶP NẠN TRONG KHI ĐI ĐÓN DÂU

Ô LÂU THÊM TÌNH BI SỬ

Thu ảm đạm về nhìn buổi hạ đi
Tức tưởi quê nghèo đau đớn biệt ly
Mười mấy mạng người hồn lìa thảng thốt
Xe hoa vô thường thảm thiết hồi quy
Áo cưới chưa mặc vội trùm áo chế
Tội quá em ơi! dâu thảo Mỹ Quang"1"
Trở về quê chồng sẻ chia oan khốc
Bên di ảnh,quay quắt lệ tuôn tràn
Khóc van gọi Mẹ nhói mái Từ đường
Lư hương yết tổ khói nhuộm tang thương
Vợ gọi chồng, con gào Cha mẹ hỡi
Tang tóc cút côi cấy ngõ đoạn trường
Thu rơi* buồn bã bủa lạnh dòng sông
Khuya khoắt bi ai nhức nhối cõi lòng
Tiếng nấc gọi chồng xót xa vời vợi
Con gào gọi Mẹ buốt tận tầng không
Em về tìm chồng trọn đạo tào khang
Cúi lạy linh đài xin Mẹ phục tang
Nghẹn ngào tiếng khóc xứơc cào gan ruột
Tội nghiệp tình ơi ! sao quá bẽ bàng
Ô Lâu lại mở thêm tờ tình sử
Bến Cộ con đò gác mái buồn thiu
Đồi sim Thác Ma tím bầm dòng lệ
Tím rịm đôi bờ mây phủ quạnh hiu.
Kẻ Văn
* tên Sông Ô Lâu


"1" Xã Mỹ Quang -H Phù Mỹ -Bình Định

Chùm thơ Hiến Minh

Tác giả Hiến Minh

Mơ Một Bước Chân
                         Hiến Minh

Chẳng hiểu làm răng biết nói gì
Đông tây kim cổ có mô ri!
Tra nôi cận tử cùng vô kế
Trẻ mỏ thời lai khốn khả thi
Xiêu đổ cha sầu ôm mái rạ
Thất thanh mẹ xỉu dưới tàn si
Người giữ hồn người xiêu lạc cảnh
Chân đời mơ một bước thần kỳ

                
Mấy Quãng Đường
                       Hiến Minh

Đường xa mấy quãng nối đương xa
Ai biết đâu mà đưa đón ta
Mãi miết rồi quên hương thế thái
Quẩn quanh thôi đủ vị ta bà
Ân tình bốn biển triều âm vợi
Khói bêp phương quê bóng quyện tà
Hoài vọng chìm mơ trong cõi thực
Ta mình hẹn nhé giữa phong ba .-

*                  
Thương Trào
                     Hiến Minh

Tổ tiên gian khổ tự bao đời
Sử ký thơm danh mãi rạng ngời
Bến lạ đường xa khai vạn dặm
Nghĩa tình quê cũ thắm khôn vơi
Kiếp cha khố rách cầm canh giặc
Đời mẹ áo ôm đảo nguyện trời
Sao khổ tận lưu dòng máu lạc
Để thuyền tìm bến đổ muôn nơi

*
Còn Trong Thương Tiếc
                             Hiến Minh
Như là chẳng biết - thấy- nghe chi
Quê cũ - vợ con khốn khó thì
Giả điếc vờ câm dim tựa cột
Vùi đau lấp khổ mỉm môi khì
Chứng nhân ơi hỡi khóc bao nữa
Thòng lọng vờn kia siết mấy khi
Thương tiếc lần từng con ấn cũ
Son hồng còn vướng buổi tà huy.      


        
Nơi Kia
      Hiến Minh

Còn sống thì vui cứ lặng im
Cái không thể có chớ đi tìm
Nắm tay chuyền nhiệt qua sông hận
Hít khí xua hàn đến núi Tiên
Thủ phận ngâm vần thơ yếu nhược
Bình nhiên buông tiếng hát ươn hèn
Ngày mai bước lạc miền kinh dị
Nơi ấy còn chăng có cảnh Thiền.





TẢN MẠN VỀ CON TRÂU - Nguyễn Khắc Phước



TẢN MẠN VỀ CON TRÂU
Nguyễn Khắc Phước

Hồi tóc còn để chỏm, tôi đã từng nghêu ngao bài hát "Em bé quê"  (Phạm Duy phổ nhạc từ một bài đọc trong sách Quốc văn Giáo khoa thư): "Ai bảo chăn  trâu là khổ. Không chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu..." gợi hình ảnh chú bé ngồi vắt vẻo thổi sáo trên mình trâu khi đàn trâu đang tha thẩn trở về chuồng trong  buổi chiều hoàng hôn mát rượi. Có lần đang ngồi trên mình trâu nhưng nghĩ nát óc mà không tìm ra lời giải cho câu đố: Bốn ông đập đất, một ông phất cờ, một ông vơ cỏ, một ông bỏ phân, là con gì? Cũng không phải chỉ một lần ngồi trực bên bên rỗ rơm khi cha đang dắt trâu đạp lúa để chờ nghe "ỉa ỉa" là xách rỗ đến hứng, bù lại, được nghe mấy ông thợ gặt tán chuyện mấy o trong làng hoặc được ăn chè đậu sau khi xảy rơm xong. 

Đã ngồi trên mình trâu mà không biết gì về con trâu và nhớ ơn đàn trâu đã cùng gia đình lao động vất vả để có cái ăn, cái mặc nên hôm nay tôi tự tìm hiểu về con vật thân yêu này.

Những câu tục ngữ như: "Trâu cột ghét trâu ăn", "con gái mười bảy bẻ gảy sừng trâu",  "lộn con toán bán con trâu"  v.v.  xuất hiện thường xuyên trên cửa miệng mọi lứa tuổi trong câu chuyện hằng ngày, kể cả  thị dân, chứng tỏ hình ảnh con trâu có ấn tượng rất sâu đậm trong đời sống và ngôn ngữ của người Việt.

Quê hương chính của trâu là vùng Nam Á và vùng Đông Nam Á.

Các nhà khoa học chia loài trâu làm 3 giống.

Giống trâu hoang dã châu Á còn gọi là arni được xếp vào giống có nguy cơ tuyệt chủng, một số ít được tìm thấy dưới chân rặng Hymalaya. Một số ít khác được bảo tồn trong vườn quốc gia Hukuang Mianmar. Vùng Đông nam Á kể cả dãy Trường Sơn có khoảng chừng 50 con.

Giống trâu sông (river buffalo) có 50 nhiểm sắc thể  sống ở độ cao 2.800 mét ở Nepal và vùng Nam Á.

Giống trâu đầm lầy (swamp buffalo) có 48 nhiểm sắc thể còn gọi là carabao được nuôi nhiều ở Phi và vùng Đông Nam Á. Giống carabao nầy còn là con vật biểu tượng quốc gia của Philippines .

Tháng 9 -2007, các nhà khoa học Phi  tuyên bố đã lai tạo được giống trâu vô tính đầu tiên.  Tháng 1 - 2008 họ lại bắt đầu lai tạo một giống trâu siêu chủng cho nhiều sữa, đặt tên là Glory, theo tên của tổng thống Gloria Maccapagal Arroyo.

Giống trâu Murrah ở Ấn Độ nỗi tiếng cho nhiều sữa nhất thế giới. Trâu Murrah có sừng xoắn, khác với trâu thường có sừng vòng cung. Mỗi năm một con có thể cho đến 3000 lít. Mỗi năm Ấn độ sản xuất 30 triệu tấn sữa trâu. Phần còn lại của thế giới chỉ bằng một nửa số lượng ấy. Ấn Độ cũng đã lai tạo được một giống trâu siêu chủng đặt tên là Nili-Ravi.

Truyền thuyết Phật giáo  có câu chuyện kể rằng trước khi thành Phật, Đức Thích Ca đã bỏ ra sáu năm để  hành pháp khổ hạnh đến nỗi thân thể chỉ còn da bọc xương. Về sau thấy phương pháp khổ hạnh chỉ đem lại đau khổ mà trí tuệ chẳng hề tăng trưởng nên Ngài quyết định dùng lại thức ăn để có đủ sức hành thiền, quán niệm hơi thở. Trong thời gian 49 ngày thiền định, ngài được thôn nữ Sujata dâng cúng cháo sữa, và nhờ đó sức khỏe, ngài được hồi phục nhanh chóng. Theo thiển ý của tôi, chắc chắn trong cháo sữa đó có sữa trâu, một là vì ở Ân Độ, bò là linh vật nên chẳng mấy ai dùng sữa bò. Hai là vùng bắc Ấn là nơi có rất nhiều trâu sinh sống. Ba là sữa trâu bổ dưỡng, rất thích hợp với người suy dinh dưỡng, vì trong sữa trâu giàu chất béo, canxi, năng lượng cao gấp đôi sữa bò. (Trong 100 mg sữa trâu có 110 kcalo, trong khi 100 mg sữa bò chỉ có 66 kcalo).

Ngày nay, sữa trâu còn được chế biến thành bơ pho-mat hoặc sữa chua.

Sữa trâu nhiều chất béo hơn sữa bò nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò, nhưng lượng sắt có trong thịt trâu lại cao hơn thịt bò. (Trong thịt trâu nghé chỉ có1,5 - 5,6%  mỡ so với thịt bò là 10 - 20%) .Thịt trâu thích hợp với  người làm việc bằng trí óc, huyết áp cao, xơ vữa động mạch hay có nhiều cholesterol trong máu. Phụ nữ mập có thể ăn thịt trâu  vì nó cung cấp năng lượng mà không làm tăng cân. Thịt trâu hầm không mất chất lượng thích hợp với người già và trẻ con và có thể để  nhiều ngày không hư.  Thịt trâu nghé mềm quá không ngon bằng thịt trâu choai chừng 2 tuổi. Ở Thốt Nốt có món thịt trâu luộc với nước cơm mẻ. Ở Củ Chi có món phở nghé. Ở Hòa Tiến, Đà Nẵng, có món thịt nghé nướng lá lốt. Ở Quảng Trị có món thịt trâu xào với đọt trơng (phần lá non màu tím, hạt trơng to bằng hạt tiêu dùng làm đạn của súng ống nổ). Ở Đồ Sơn, người ta giết thịt trâu chọi và bán rất được giá.  Ở Sài Gòn, nếu thèm thịt trâu cứ ghé cửa hàng thực phẩm tươi sống của Vissan  trong hệ thống siêu thị  Saigon Coop  tìm thử xem. Ở thôn quê  vào mùa rét trâu chết hàng loạt, người ta phải xẻ thịt chia nhau ăn, nhưng khổ nỗi trâu chết thường là trâu già yếu không chống chọi được với giá rét và bà con lại không biết cách chế biến nên món thịt trâu trở thành món khó nuốt vì mùi thịt và quá dai. Muốn thịt trâu già hầm mau nhừ và có mùi vị thơm ngon thì buổi tối, trước khi nấu, xoa lên miếng thịt trâu một lớp bột hạt cải, sáng hôm sau rửa sạch trước khi nấu. Coi chừng nhiểm bệnh than (Antharax) nếu ăn phải trâu bệnh.

Tục ngữ có câu: "Trâu bò chết để da người ta chết để tiếng" . Thế nhưng trâu chết cũng để "tiếng" nhưng đó là tiếng trống. Da trâu làm trống phải thuộc rất công phu nhưng chỉ có da trâu cái chưa sanh đẻ mới tốt vì nó rất dai và cho tiếng kêu hay. Da trâu nấu thành cao gọi là giao để hòa với vôi quét tường, tạo chất kết dính. Ngoài ra, đông y còn dùng da trâu như một loại dược liệu có tác dụng giảm đau, cầm máu. Ở Bảo tàng Quảng Trị có sợi dây da trâu, chiều dài hơn 2m,  đường kính 20mm (nguyên thủy dài hơn), trước đây bộ đội dùng để kéo pháo trong chiến dịch giải phóng miền Nam.

Sừng trâu cũng không phải là thứ bỏ đi mà được các nghệ nhân của công ty Lý tam Hùng của ông Lý Patrick ở Hà Tiên chế biến thành các đồ trang sức, từ vòng, nhẫn... cho đến các đồ dùng khác như lược, gọng kính, đẹp không thua gì sơn mài, được bày bán khắp nơi trên thế giới. Người dân tộc Tây Nguyên dùng sừng trâu để rót rượu hay làm mõ. Sừng trâu cũng có thể thay cho sừng tê giác trong một số bài thuốc nam.

Hầu như tất cả các nước vùng Đông Nam Á  đều có lễ hội đua trâu  với tay nài ngồi trên lưng trần của trâu nhấp nhấp nhổm nhổm  trông rất hào hứng, song người ta không giết trâu sau lễ hội như ở Việt Nam.  Người Chăm ở Lạc Tánh có lễ Chém Trâu (Săm lé) diễn ra vào tháng tư Chăm lịch với thủ tục nghi lễ rất công phu.

Phụ nữ có bầu ở thôn quê rất kị đi phía sau đít trâu vì lỡ bị trâu đập đuôi thì rất khó sinh (?).

Nuôi trâu không chỉ để kéo cày nhưng còn để lấy cứt trâu làm phân bón. Cứt trâu còn để trát phên hoặc có nơi phơi khô để đun nấu. Để chuẩn bị sân đạp lúa, người ta lấy phân trâu hòa với nước thành chất bùn sền sệt đem quét lên mặt sân để trám chỗ nứt nẻ. Phơi sân 3 nắng là được.  Mùi phân trâu, mùi nước đái trâu hòa với mùi lúa mới và mùi rơm rạ tạo thành một thứ mùi quê hương đặc trưng khiến bao người xa quê phải thương nhớ đến ngẩn ngơ. Vào mùa đông giá rét, nếu bạn bị nứt gót chân, thử đạp chân vào bãi phân trâu mới ỉa còn ấm vài lần, có thế cũng đỡ!

Mười bức tranh trâu, mà người ta thường gọi là "thập mục ngưu đồ",  vẽ con trâu và người chăn trâu, mô tả thứ tự quá trình diễn biến trong tâm thức của người hành thiền, (người sáng tác có lẽ đã liên tưởng đến giai thoại Phật uống sữa nói trên?). Đầu tiên phải đối trị tâm cho đến lúc hoàn toàn khống chế được tâm. Khi tâm được thuần thục không còn vọng động, ánh sáng trí tuệ sẽ bùng lên như một mặt trời. Khi đã ngộ, hành giả ung dung nhập thế. Nếu có dịp đến thăm Trúc Lâm Thiền viện ở Đà lạt, ghé vào thư viện, bạn sẽ thấy 10 bức tranh trâu đang treo trên tường, bạn hãy nhờ thầy phụ trách thư viện ở đó giải thích thì rõ hơn.

Hồ Tây ở Hà Nội còn có tên là hồ Kim Ngưu (Trâu Vàng). Truyền thuyết kể rằng ông Khổng Lồ (Không Lộ?) có tài thu hết đồng đen của phương Bắc đem đúc thành chuông. Chuông đánh lên tiếng vang sang bên Bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền chạy đi tìm mẹ. Tới đây, nó quần thảo mãi khiến chân bị chảy máu thành hồ Tây (theo Wikipedia).

Seagames 2003 tổ chức tại Viêt Nam lấy con trâu vàng làm biểu tượng là dựa theo truyền thuyết ấy (?). Hiện nay còn có đường phố tên Kim Ngưu tại quận Hai Bà Trưng Hà Nội.

Đón Tết năm Sửu mà không  xem một "quẻ" về tuổi Sửu thì e thiếu sót. Người ta cho rằng người tuổi trâu tính chậm chạp nhưng chắc chắn, thường là người khỏe mạnh, độ tin cậy cao, thích làm lãnh đạo, cần cù, làm việc không biết mệt. Tuy nhiên, họ rất khó thay đổi quan điểm của mình, đôi khi bảo thủ, cố chấp. Người tuổi trâu ít nói và không thích ở giữa đám đông. Tuy nhiên, nếu bạn cần lời khuyên chân thật không thiên vị thì cứ đến hỏi người tuổi trâu.

Phụ nữ sinh năm Dần thường gặp khó khăn về đường gia thất, do đó, có người dấu béng tuổi thật của mình và chọn tuổi Sửu để dễ có chồng hơn!

Cuối cùng xin kể lại câu chuyện tiếu lâm mang tựa đề "Ông quan thanh liêm" dính dáng đến con trâu mà có lẽ ai cũng biết.

Một ông quan huyện nó suốt thời gian tại chức nổi tiếng là thanh liêm và đức độ, không tơ hào một đồng nào của dân, về hưu sống thanh bạch trong sự cảm mến và luyến tiếc của mọi người.

Một hôm đến ngày giỗ thân phụ, ông ngạc nhiên thấy bà vợ đi chợ mua nào gà, nào heo và nhiều món đắt tiền khác để làm giỗ rất linh đình, vượt quá sự tưởng tượng của ông. Ông hỏi bà:

- Nè bà, tôi hỏi thật bà điều này. Bà lấy tiền đâu ra mà làm giỗ linh đình thế?

Bà vợ trả lời:

- Chẳng dấu gì ông, thời ông còn tại chức có người đến hỏi ông tuổi gì, tôi thực tình nói ông tuổi Tý. Tưởng họ hỏi để coi tử vi cho ông thôi, ai ngờ một tuần sau họ đem đến biếu một con chuột làm toàn bằng vàng y. Tôi biết tính ông nên không dám nói cho ông hay. Mình đã được mời đi ăn giỗ nhà người ta không biết bao lần mà chưa có dịp mời lại . Nay đã đến lúc phải trả nợ miệng cho rồi. Tôi đành phải xẻo bớt một mẫu nhỏ của con chuột bán đi mới có tiền mua đồ cúng.

Ông quan nghe bà vợ nói xong vỗ đùi đánh đét một cái rồi nói:

- Trời đất ơi! Tiếc ơi là tiếc!  Sao hồi đó bà không nói tôi tuổi sửu!

Đà Nẵng, 2008. 
NGUYỄN KHĂC PHƯỚC

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Xướng họa: MỘT GÓC QUÊ HƯƠNG


 Xướng: 
MỘT GÓC...QUÊ HƯƠNG...

Xứ người em có một vườn rau
Nho nhỏ nhưng mà thương biết bao !
Bí rợ, dưa leo, bầu ...mướt lắm
Đậu ve, xà lách, mướp...tươi sao !
Ớt xanh, ớt đỏ cay nồng mắt
Cà tím, cà chua rực rỡ màu
Bạn hữu tình thân mời ghé lại
Chia hồn quê giữa nắng lao xao !
Thy Lệ Trang     

 Họa:
QUÊ MẸ NGÀY NAY
(Đảo vận)

Bến sớm sương mờ gợn sóng xao
Bóng cây cổ thụ mát làm sao
Bên đình gió lướt quanh vườn bắp
Cạnh giếng chim chuyền dưới luống rau
Thôn Bãi hội ghe, cờ lắm sắc
Xóm Cồn đám cưới, áo đa màu
Được mùa, làng xóm vui như hội
Quê mẹ ngày nay đẹp biết bao
Nguyễn Khắc Phước