Nguồn: Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.
http://www.giaoduc.edu.vn/lang-buon-noi-thuong-nguon-thac-ma.htm
Nằm về phía thượng nguồn sông Thác
Ma, từ hàng chục năm nay việc đi lại của 40 hộ dân ở thôn Khe Mương, xã Hải Sơn
(huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đều phải… lội sông!
Mùa nắng, nước cạn, việc đi lại còn
tương đối dễ dàng. Mùa mưa, hoặc ngồi bó gối ở nhà, hoặc đánh cược sinh mạng của
mình mới có thể sang sông. Không ít trường hợp trượt chân suýt chết đuối, có
trường hợp trẻ em đành bỏ học vì điều kiện đi lại quá khó khăn…
1. Ngược quốc lộ 1A, qua trung tâm
xã Hải Sơn tầm 10km về phía Tây, chúng tôi tìm đến thôn Khe Mương. Những người
nông dân đang cắm cúi cuốc tơi đất để trồng sắn (khoai mì). Thấy khách lạ hỏi
đường, mọi người liền dừng tay cuốc, tận tình chỉ bến sông - nơi thôn Khe Mương
bị chia đôi bởi dòng Thác Ma. Họ không quên hỏi khách: “Bao giờ bà con có cầu để
đi?”.
Chờ suốt 3 giờ đồng hồ nơi bến
sông, đoạn chia đôi thôn Khe Mương, chúng tôi thấy không một bóng người qua lại.
Bến vắng. Thi thoảng có vài người phụ nữ cao tuổi ra bến sông giặt giũ. Thấy
chúng tôi đợi lâu, bà Trần Thị Lài (63 tuổi) nói: “Bây giờ bà con đang đi làm đồng,
đến tối mịt họ mới trở về. Muốn sang sông chỉ có cách đợi đến lúc đó để lội
cùng bà con, hoặc thấy chiếc thuyền nào đi đánh cá đêm qua lại thì xin quá
giang, mà cũng hiếm lắm. Năm nay nước lớn nên việc qua sông khó khăn hơn”.
Bà Lài cho biết thêm, nhiều khi
sáng đi làm thì trời nắng, chiều về mưa tầm tã làm nước sông dâng cao. Vì vậy
bà con cứ ngồi miết bên sông đợi có thuyền ai ngang qua để đi nhờ. “Tui có vài
sào đất bên kia sông, có hôm nước dâng cao, ông nhà tui đứng bên này trông qua,
còn tui ngồi bên kia trông lại, trời rét như cắt ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ,
khi có thuyền chài đi ngang tui mới đi nhờ về được”, bà Lài kể.
Khổ thế nhưng bà Lài bảo, không thể
bỏ ruộng vì có mảnh ruộng thì người dân mới có được củ sắn, thúng lúa duy trì
cái ăn và chăn nuôi quanh năm.
2. Ông Trần Quang Hải, Trưởng thôn
Khe Mương, cho biết: “Toàn thôn có 70 hộ dân với gần 700 nhân khẩu thì phía bờ
Nam sông Thác Ma có đến 40 hộ dân sinh sống. Từ bao đời nay, người dân đi làm
ruộng đều trong cảnh lội… sông. Mùa hè nước cạn, bà con qua lại chăm nom ruộng
vườn, hỏi thăm nhau tương đối thuận tiện. Còn mùa mưa thì gần như tách biệt. Chỉ
có cánh thanh niên khỏe mạnh dùng bè chuối hoặc đánh liều bơi qua sông. Nhiều
người dân đi làm về lội sông buổi tối trời lạnh nên trượt chân, bị nước cuốn
trôi suýt chết đuối. Mỗi lần có họp hành thì thôn phải thuê đò để đưa bà con
sang”.
Theo nhẩm tính của người dân trong
thôn Khe Mương, đã có ít nhất 5 người chết đuối ở khúc sông này. Nhưng không ai
bỏ ruộng, bỏ làng vì diện tích đất nông nghiệp rất ít, nếu bỏ ruộng, họ không
biết mưu sinh bằng nghề gì. Vả lại, thôn đã có hàng trăm năm, thậm chí Khe
Mương từng là nơi hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ lão thành, được UBND tỉnh
công nhận là di tích lịch sử. Vì vậy không ai muốn bỏ mảnh đất cha ông đã dày
công khai khẩn.
3. Đến thôn Khe Mương, câu chuyện
buồn nhất của người dân nơi đây có lẽ là con đường học hành của trẻ em. Ông Trần
Quang Hải cho biết, những năm trước, để trẻ học được cái chữ, các bậc phụ huynh
thay nhau cõng con sang sông và đón con về mỗi ngày. Sau mùa lũ năm 2009, thôn
được cấp trên cho một chiếc thuyền để đưa đón học sinh qua lại. Nhưng được một
thời gian thì thuyền bị thủng, chèo được vài nhịp nước lại tràn vào. Bà con
nghèo, kinh phí thuê người chèo đò đưa đón con em mỗi ngày đã khó, nên không có
tiền tu sửa. Thế là đành phải tiếp tục… lội. Năm 2012, một học sinh lớp 2 tên Hồ
Xuân Chiến tan học, đợi bố mẹ quá lâu nên lội liều. Thế là trượt chân trôi mấy
trăm mét. May thay thuyền chài đánh cá phát hiện và vớt được. Bà con trong thôn
một phen hú vía. Không thể theo con mỗi ngày nên năm học này, các bậc phụ huynh
không cho con sang sông nữa mà cho đi men theo con đường cấp phối qua thôn Tân
Lý (xã Hải Sơn) rồi tiếp tục băng qua Mỹ Chánh vòng lại trung tâm Hải Sơn để học.
Quãng đường vì thế xa hơn vài cây số.
Chấp nhận đi xa thêm vài cây số, sự
học của con em thôn Khe Mương đỡ nguy hiểm hơn. Nhưng không phải vậy! Con đường
cấp phối từ Khe Mương qua Tân Lý được đầu tư 20 triệu đồng qua vài mùa mưa nắng
đã xuống cấp. Cách nay vài tháng, một học sinh trong thôn đi học về, xe mất lái
khi đang xuống dốc. Cú ngã khiến em phải khâu mấy chục mũi chi chít trên gương
mặt. Một em khác ngồi sau xe cũng phải khâu hơn chục mũi. Sau khi ra viện, dù bố
mẹ có động viên đến đâu, cậu bé ấy cũng không chịu đến lớp, phần vì con đường đến
trường quá vất vả, phần khác vì ngại bởi khuôn mặt đầy sẹo. Ông Trần Quang Hải
cho biết: “Sự học của con em trong thôn Khe Mương chịu nhiều thiệt thòi. Tình
trạng học sinh học xong cấp 2 rồi nghỉ ở nhà vẫn còn nhiều. Trẻ mầm non thì phụ
huynh gửi qua thôn Tân Lý hoặc gửi về quê ngoại, nội nơi gần các trường mầm non
để theo học. “Nhiều cuộc họp cử tri, bà con đưa ý kiến mong muốn được hỗ trợ
xây cầu, nhưng rồi vẫn cứ chờ đợi”.
Chiều buông. Những người phụ nữ sau
một ngày làm việc, vội vã bê mớ rau rừng ra mé sông nhặt nhạnh chuẩn bị bữa cơm
chiều. Sông vẫn đổ về xuôi, như chứng nhân ôm vào mình những giấc mơ gửi gắm của
bao người dân thôn Khe Mương về một cây cầu nối đôi bờ Thác Ma!
Bài của Hàn Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét