Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Làng buồn nơi thượng nguồn Thác Ma




Nguồn:  Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.
http://www.giaoduc.edu.vn/lang-buon-noi-thuong-nguon-thac-ma.htm


Nằm về phía thượng nguồn sông Thác Ma, từ hàng chục năm nay việc đi lại của 40 hộ dân ở thôn Khe Mương, xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đều phải… lội sông!

Mùa nắng, nước cạn, việc đi lại còn tương đối dễ dàng. Mùa mưa, hoặc ngồi bó gối ở nhà, hoặc đánh cược sinh mạng của mình mới có thể sang sông. Không ít trường hợp trượt chân suýt chết đuối, có trường hợp trẻ em đành bỏ học vì điều kiện đi lại quá khó khăn…

1. Ngược quốc lộ 1A, qua trung tâm xã Hải Sơn tầm 10km về phía Tây, chúng tôi tìm đến thôn Khe Mương. Những người nông dân đang cắm cúi cuốc tơi đất để trồng sắn (khoai mì). Thấy khách lạ hỏi đường, mọi người liền dừng tay cuốc, tận tình chỉ bến sông - nơi thôn Khe Mương bị chia đôi bởi dòng Thác Ma. Họ không quên hỏi khách: “Bao giờ bà con có cầu để đi?”.

Chờ suốt 3 giờ đồng hồ nơi bến sông, đoạn chia đôi thôn Khe Mương, chúng tôi thấy không một bóng người qua lại. Bến vắng. Thi thoảng có vài người phụ nữ cao tuổi ra bến sông giặt giũ. Thấy chúng tôi đợi lâu, bà Trần Thị Lài (63 tuổi) nói: “Bây giờ bà con đang đi làm đồng, đến tối mịt họ mới trở về. Muốn sang sông chỉ có cách đợi đến lúc đó để lội cùng bà con, hoặc thấy chiếc thuyền nào đi đánh cá đêm qua lại thì xin quá giang, mà cũng hiếm lắm. Năm nay nước lớn nên việc qua sông khó khăn hơn”.

Bà Lài cho biết thêm, nhiều khi sáng đi làm thì trời nắng, chiều về mưa tầm tã làm nước sông dâng cao. Vì vậy bà con cứ ngồi miết bên sông đợi có thuyền ai ngang qua để đi nhờ. “Tui có vài sào đất bên kia sông, có hôm nước dâng cao, ông nhà tui đứng bên này trông qua, còn tui ngồi bên kia trông lại, trời rét như cắt ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ, khi có thuyền chài đi ngang tui mới đi nhờ về được”, bà Lài kể.

Khổ thế nhưng bà Lài bảo, không thể bỏ ruộng vì có mảnh ruộng thì người dân mới có được củ sắn, thúng lúa duy trì cái ăn và chăn nuôi quanh năm.

2. Ông Trần Quang Hải, Trưởng thôn Khe Mương, cho biết: “Toàn thôn có 70 hộ dân với gần 700 nhân khẩu thì phía bờ Nam sông Thác Ma có đến 40 hộ dân sinh sống. Từ bao đời nay, người dân đi làm ruộng đều trong cảnh lội… sông. Mùa hè nước cạn, bà con qua lại chăm nom ruộng vườn, hỏi thăm nhau tương đối thuận tiện. Còn mùa mưa thì gần như tách biệt. Chỉ có cánh thanh niên khỏe mạnh dùng bè chuối hoặc đánh liều bơi qua sông. Nhiều người dân đi làm về lội sông buổi tối trời lạnh nên trượt chân, bị nước cuốn trôi suýt chết đuối. Mỗi lần có họp hành thì thôn phải thuê đò để đưa bà con sang”.

Theo nhẩm tính của người dân trong thôn Khe Mương, đã có ít nhất 5 người chết đuối ở khúc sông này. Nhưng không ai bỏ ruộng, bỏ làng vì diện tích đất nông nghiệp rất ít, nếu bỏ ruộng, họ không biết mưu sinh bằng nghề gì. Vả lại, thôn đã có hàng trăm năm, thậm chí Khe Mương từng là nơi hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ lão thành, được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử. Vì vậy không ai muốn bỏ mảnh đất cha ông đã dày công khai khẩn.

3. Đến thôn Khe Mương, câu chuyện buồn nhất của người dân nơi đây có lẽ là con đường học hành của trẻ em. Ông Trần Quang Hải cho biết, những năm trước, để trẻ học được cái chữ, các bậc phụ huynh thay nhau cõng con sang sông và đón con về mỗi ngày. Sau mùa lũ năm 2009, thôn được cấp trên cho một chiếc thuyền để đưa đón học sinh qua lại. Nhưng được một thời gian thì thuyền bị thủng, chèo được vài nhịp nước lại tràn vào. Bà con nghèo, kinh phí thuê người chèo đò đưa đón con em mỗi ngày đã khó, nên không có tiền tu sửa. Thế là đành phải tiếp tục… lội. Năm 2012, một học sinh lớp 2 tên Hồ Xuân Chiến tan học, đợi bố mẹ quá lâu nên lội liều. Thế là trượt chân trôi mấy trăm mét. May thay thuyền chài đánh cá phát hiện và vớt được. Bà con trong thôn một phen hú vía. Không thể theo con mỗi ngày nên năm học này, các bậc phụ huynh không cho con sang sông nữa mà cho đi men theo con đường cấp phối qua thôn Tân Lý (xã Hải Sơn) rồi tiếp tục băng qua Mỹ Chánh vòng lại trung tâm Hải Sơn để học. Quãng đường vì thế xa hơn vài cây số.

Chấp nhận đi xa thêm vài cây số, sự học của con em thôn Khe Mương đỡ nguy hiểm hơn. Nhưng không phải vậy! Con đường cấp phối từ Khe Mương qua Tân Lý được đầu tư 20 triệu đồng qua vài mùa mưa nắng đã xuống cấp. Cách nay vài tháng, một học sinh trong thôn đi học về, xe mất lái khi đang xuống dốc. Cú ngã khiến em phải khâu mấy chục mũi chi chít trên gương mặt. Một em khác ngồi sau xe cũng phải khâu hơn chục mũi. Sau khi ra viện, dù bố mẹ có động viên đến đâu, cậu bé ấy cũng không chịu đến lớp, phần vì con đường đến trường quá vất vả, phần khác vì ngại bởi khuôn mặt đầy sẹo. Ông Trần Quang Hải cho biết: “Sự học của con em trong thôn Khe Mương chịu nhiều thiệt thòi. Tình trạng học sinh học xong cấp 2 rồi nghỉ ở nhà vẫn còn nhiều. Trẻ mầm non thì phụ huynh gửi qua thôn Tân Lý hoặc gửi về quê ngoại, nội nơi gần các trường mầm non để theo học. “Nhiều cuộc họp cử tri, bà con đưa ý kiến mong muốn được hỗ trợ xây cầu, nhưng rồi vẫn cứ chờ đợi”.
Chiều buông. Những người phụ nữ sau một ngày làm việc, vội vã bê mớ rau rừng ra mé sông nhặt nhạnh chuẩn bị bữa cơm chiều. Sông vẫn đổ về xuôi, như chứng nhân ôm vào mình những giấc mơ gửi gắm của bao người dân thôn Khe Mương về một cây cầu nối đôi bờ Thác Ma!

Bài của Hàn Giang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

TRUYỀN THUYẾT SÔNG THÁC MA - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

TRUYỀN THUYẾT SÔNG THÁC MA
Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

- Có thích ăn thịt heo rừng không?
Thằng bạn nhà báo gọi tôi.
- Thích. Mầy đang ở đâu?
- Sài Gòn. Nhưng tao mời mầy ăn thịt heo rừng ở thượng nguồn sông Thác Ma.
- Thác Ma ở đâu?
- Thác Ma còn gọi là sông Mỹ Chánh chảy qua làng mầy mà mầy không nhớ hả?
- Biết đâu còn có sông Thác Ma nơi khác.
- Cái tên dễ sợ vậy mà ai dám đặt. Chỉ có ở Quảng Trị mình thôi.
- Vậy lúc nào mầy về?
- Chiều thứ sáu tới mầy phải có mặt ở Quảng Trị để sáng thứ bảy là đi.

Thế là sáng thứ bảy đầu tháng Sáu năm ngoái, hai thằng  tôi đi xe máy thồ từ Mỹ Chánh theo con đường dọc bờ sông hướng về phía tây mà tiến. Đi đến trưa thì nghỉ và chuyển sang đi bộ vì đến đoạn xe máy không thể chạy được. Tôi chẳng mấy khi đi bộ băng rừng, thấy đường này ngán quá, nhưng bạn tôi, vốn là dân hướng đạo, nói đường này đối với nó cũng như đường làng, chẳng nhằm nhò gì, và động viên tôi cố lên. Thế là tôi đành phải theo. Đi bộ leo núi gần hết buổi chiều mới đến được trang trại của anh Đoàn, một người quen của bạn tôi.

Đó là một khu đồi khá bằng phẳng mà anh dùng để nuôi loại heo lai giữa heo rừng và heo nhà. Heo thả đi kiếm ăn tự do. Chúng ăn bất cứ côn trùng nào kiếm được, và giống như chó, chúng còn thích phân người. Mỗi lần ra rừng đi ngoài, nhớ mang theo cây gậy, vừa ngồi vừa huơ huơ, nếu không thì có thể bị heo húc từ phía sau để tìm thứ chúng thích.

Buổi tối ngồi bên bếp lửa hừng hực, vừa nhắm rượu ngoại mà bạn tôi công khó mang từ Sài Gòn, vừa nhai thịt heo nướng ướp củ nén thơm phức. Mùi rượu, mùi thịt nướng, mùi nén quyện vào nhau thành một thứ ngon không thể tả. Và càng ngon hơn vì biết chắc thứ thịt heo này 100% không có chất bảo quản hay thuốc tăng trọng như thịt heo ở thành phố.

Sau chuyện thịt heo, tôi hỏi anh chủ trại vì cớ gì mà người ta đặt tên con sông ở đây là Thác Ma, nghe dễ kinh. Tôi cũng phân bua rằng mặc dù tôi sinh ở vùng này nhưng chỉ ở đây gần 15 năm, mà ở xa quê đến 40 năm, nên không có thì giờ để tìm hiểu hết mọi thứ.

Có vẻ bắt trúng đài nên anh chủ trại rót rượu đầy cốc, hô cạn chén, và bắt đầu kể. Anh chủ trại cho biết chuyện anh sắp kể được truyền miệng từ ông vãi của anh, người đã tham gia trong loạn Chày Vôi của Đoàn Trung- Đoàn Trực và phải bỏ lên rừng sống với người Kờ-tu ở vùng biên giới Việt Lào.       

***

Mụ C’Lâu chết ở tuổi bảy mươi. Vào lễ khâm liệm, lúc sắp bỏ vào hòm, người nhà phát hoảng khi bỗng nghe mụ kêu khát nước. Nhà đám chuyển từ lễ tang sang lễ ăn mừng bà nội sống lại.

Đúng vào ngày hôm đó, trong buôn làng có một cái chết rất thương tâm của một cô gái tên là Riah.

Cha Riah là người chuyên săn bắn và mang thịt xuống miền xuôi để bán. Một người từ bên kia biên giới nhờ lão chuyển những gói chứa chất dẻo màu nâu như phân gà sáp cho một người khác ở nơi lão đến, và để trả công, lão được biếu không một gói, được dặn là bỏ vào thuốc lá hút cho khỏe người. Lão không biết rằng đó là thuốc phiện và càng hút lão càng nghiện, lão phải bỏ tiền ra mua. Nương rẫy lão cầm cố hết, đến hồi phải đưa con gái là Riah vào ở đợ cho nhà Alang, một người giàu có trong buôn, để lấy tiền mua thuốc phiện. Aviet, một chàng trai con nhà nghèo cũng đang ở đợ nhà Alang, đem lòng yêu Riah. Thế nhưng mối tình đó vỡ tan khi cha Riah bắt nàng về bán cho người ta để trừ nợ thuốc. Riah bỏ trốn cùng với Aviet đến sống trong một nhà Zơng trên một đám rẫy bỏ hoang. Cha Riah đi tìm và bắt nàng về. Khi đi ngang qua Vực Kè, nàng nhày xuống tự tử. Dưới bờ vực sâu hơn trăm mét là một thác nước chảy xiết, cuốn xác nàng không biết về đâu.

Kể từ sau cái chết của Riah, đêm nào Aviet cũng đến ngồi trên Vực Kè, gọi tên nàng và khóc lóc thảm thiết. Anh ngồi đó đến nửa đêm mới về nhà Alang. Một đêm, lúc sắp ra về, dưới ánh trăng thượng tuần hư ảo, anh khi lạnh người khi thấy một bóng người đang đi về phía anh. Lúc đầu anh nghĩ là ma nhưng đến gần anh biết đó là người, và không ai xa lạ, chính là mụ C’Lâu vừa mới mất và sống lại cách đó vài hôm.

- Này mụ C’Lâu. Mụ đi đâu vào giờ này?
- Không phải là mụ C’Lâu đâu anh. Em chính là Riah  đang mượn xác mụ C’Lâu để về với anh đây. Thân xác mụ bây giờ đã trẻ lại mấy chục tuổi rồi nhờ có linh hồn của em. Không tin anh hãy ôm em đi.

Hai bóng quyện vào nhau, khóc rồi cười, cười rồi khóc cho đến khi gà rừng gáy sáng mới chia tay.

Kể từ ngày Mụ C'Lâu sống lại, người nhà thấy mụ mỗi ngày một trẻ ra, da thịt căng và hồng hào như con gái. Đặc biệt là mụ cấm khẩu, không nói một lời. Không ai phát hiện mụ ra khỏi nhà vào ban đêm vì không ai dám ngủ gần mụ, sợ rằng mụ sẽ bắt về cõi âm. Thế nhưng, vào đêm thứ bốn mươi chín sau ngày mụ sống lại, một người cháu trai tình cờ phát hiện và đi theo mụ. Anh thấy mụ đi về phía Vực Kè và một người thanh niên đang ngồi ở đó chờ mụ. Người đó là Aviet, người yêu của Riah, cô gái đã tự tử trước đó bốn mươi chín ngày. Hai người ôm nhau tâm sự, khóc cười, lăn lóc trên kè đá, quên hết trời đất. Đến khi trăng sắp lặn và gà rừng gáy sáng thì bỗng cả hai ôm nhau nhảy xuống bờ vực. Người cháu chạy lên bờ vực ngó xuống, không thấy gì ngoài bóng tối. Lẫn trong tiếng thác nước réo ầm ào, hình như vẫn còn nghe tiếng tiếng khóc tỉ tê, tiếng cười man dại ma quái dội vẳng lên từ vực sâu. 

NKP


Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

CHÙM THƠ HIẾN MINH



Ngày Cuối  Đời cha

Cha đi trăng ẩn giữa vòm mây
Tám sáu xuân trôi đến một ngày
Chống gậy trúc quanh từng ngõ xóm
Viếng bà con cạnh lối tường xây
An nhiên chờ đợi con xa ngái
Tự tại nằm trông cánh hạc bay
Một cuộc viễn ly trong thực mộng
Ngàn năm khuất Núi Thái cao dày!

Hiến Minh. 31/08/2018


Thuốc Thời Gian
                 Hiến Minh
Khốn nỗi ai kia cứ hợm mình
Ngông nghênh trò diễn tưởng là vinh
Thương con mắt xốn trông nghịch cảnh
Xót lỗ tai ê chuyện bất bình
Tiền bẫn mua đâu lòng tự trọng
Danh quàng lẫn tránh bóng từ minh
Thời gian hy vọng thang thần dược
Hoá kiếp hoàn lương nhóm động kinh.  


   Vu Lan Nhớ Mẹ
        Hiến Minh
Mẹ mất! Chim xao cánh giữa trời
Quê hương. Một nửa vỡ trong tôi
Ô Lâu từ đó trôi hiu quạnh
Ngõ xóm bây giờ bước lẽ loi
Cỏ mọc sân rêu vàng lá đổ
Nhện giăng hiên vắng hẫm tường vôi
Cõi tiên người có buồn gia thế
Phù đỡ đàn con giữa sóng khơi .-

       

               
Thư Người Khuất Bóng
Tưởng nhớ một nhân cách lớn - người chú của tôi.
                             Hiến Minh
Thư chú, Con lưu từ bấy giờ ...
Hạ Long ... ngày ...tháng ... Hoá thành mơ!
Trần gian giấc mộng vòm mây ái
Gia nghiệp phù hư gợn sóng xô
Sợi nhớ đan xen từng nét chữ
Bóng thương mường tượng những dòng thơ
Đêm đêm nhớ chú con lần đọc
Mười bảy năm tâm tưởng chẳng nhoà.

                          **

Tâm tưởng chẳng nhoà phai chú ơi ...
Ân tình cốt nhục giữa lòng tôi
Quảng Ninh còn dấu hoa hồng cát
Bãi Cháy lần trang giấy trắng vôi
Hoa cát nung lòng sầu cách trở
Sông đời mơ ảnh ngóng buồm trôi
Trang thư. Con hẹn về thăm mộ ...
Đốt nén hương dâng tấu giữa trời.