Đặt vấn đề
Trong diễn trình phát triển của lịch sử xã hội thì mỗi vùng đất, mỗi địa dư đều có một quá trình hình thành, tồn tại và phát triển. Dải đất dặm dài của miền Trung trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng không nằm ngoài quy luật của sự vận động đó. Lịch sử của vùng đất này là cả một quá trình phát triển liên tục và trải qua rất nhiều giai đoạn. Từ buổi sơ khai đi mở cỏi, đấu tranh, chuyển quyền cai quản cương vực lãnh thổ cho đến khi định hình xóm làng, phường hiệu là cả một chặng đường dài đầy bi thương nhưng rất đổi hào hùng của dân tộc. Vó ngựa trường chinh đi qua thì song hành với đó là sự ra đời của làng xã trở thành như một lẽ tất yếu. Và trên thực tế, sự có mặt của làng xã người Việt ở vùng đất Quảng Trị cũng được phát xuất trong hoàn cảnh như vậy.
Để có thể nhận diện rõ quá trình hình thành làng xã người Việt ở vùng đất Quảng Trị trong quá khứ thì trước hết phải đặt trong mối quan hệ so sánh với bối cảnh chung của tiến trình phát triển lịch sử xã hội suốt cả một hành trình lịch sử trên bước đường thiên di về phương nam của dân tộc. Dựa trên những cuộc đại di dân, di dân tập trung có chủ trương và di dân tự do đã từng diễn ra trong lịch sử.
Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến quá trình nhập cư của người Việt lên vùng đất Quảng Trị
Xét về hoàn cảnh lịch sử dẫn đến các cuộc nhập cư để rồi hình thành nên các làng xã người Việt ở Quảng Trị phải được nhìn nhận nguyên cơ bắt đầu từ thời Tiền Lê (984 - 988). Vào thời điểm này, khi mà quốc gia Đại Việt ở phía bắc trở nên lớn mạnh, nền độc lập nước nhà ngày càng được cũng cố thì ý đồ nới rộng lãnh thổ về phương nam nhằm mở mang bờ cỏi bắt đầu nảy sinh. Cũng từ đây, những cuộc giao tranh giành giật đất đai giữa hai quốc gia Việt - Chăm thường xuyên xuất hiện. Đặc biệt là dưới thời nhà Lý (1010 - 1225), tháng 2-1069, vua Lý Thánh Tông sai Lý Thường Kiệt thân chinh đem theo 5 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ (Yan Cri Rudravarman/Rudravarman IV). Để bảo toàn tính mạng, Chế Củ đã xin dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt.
Từ đây, một phần đất cực bắc của người Chăm đã thuộc về quyền cai trị của người Việt trong đó có địa bàn phía bắc tỉnh Quảng Trị, từ bờ bắc sông Hiếu trở ra, trực thuộc châu Ma Linh (bao gồm huyện Vĩnh Linh và Gio Linh ngày nay). Sau đó nhà vua đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Chính thức xuống chiếu chiêu mộ nhân dân đến ở, định đặt lại việc tổ chức, cai trị. Chiếu chiêu mộ dân này là một văn kiện quan trọng trong lịch sử của nước ta, đặt nền móng đầu tiên cho cuộc trường chinh tiến về phương nam mà dân tộc ta đã theo đuổi suốt 6 - 7 thế kỷ về sau này.
Sang đời nhà Trần, năm 1306, sau đám cưới của công chúa Huyền Trân với vị vua Chămpa là Chế Mân. Cuộc hôn nhân mà lịch sử thường nhắc đến này xét cho cùng thực chất là một nước cờ nhuốm màu sắc chính trị đã được nhà Trần định sẵn để đổi lấy món quà sính lễ là phần đất hai châu Ô, Lý. Từ thời điểm này, phần đất phía nam tỉnh Quảng Trị thuộc về lãnh thổ của Đại Việt, mở ra một bước đi tiếp theo trên hành trình nam tiến của người Việt trong lịch sử. Vua Trần Anh Tông đổi tên Ô Châu thành Thuận Châu gồm phần đất phủ Triệu Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, huyện Hương Trà (Thừa Thiên) ngày nay; và đổi Châu Lý thành Hóa Châu gồm phần đất huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang (Thừa Thiên), huyện Hòa Vang, huyện Đại Lộc, phủ Điện Bàn, phủ Duy Xuyên (Quảng Nam) ngày nay. Thời điểm này dòng người Việt trên bước đường vào nam bắt đầu vào đến Thừa Thiên và địa đầu tỉnh Quảng Nam.
Đến thời nhà Hồ (1400 - 1401), Lê Quý Ly ngay sau khi lên ngôi đã thực hiện ngay kế hoạch xâm chiếm Chiêm Thành nhằm xoa dịu dư luận xã hội lúc bấy giờ đang dị nghị và buộc tội mình về việc thoán đoạt ngôi vị. Ông bắt vua Chăm phải nhường đất và hạ lệnh cho dân cư từ phía bắc vào làm ăn sinh sống.
Tiếp đến thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Đức năm thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Vương triều Vijaya dần dần kiệt sức và cuối cùng đã bị sụp đổ. Nhà Lê mở rộng biên giới Đại Việt vào tận Phú Yên - chấm dứt sự tồn tại của vương quốc Chămpa. Sau đó thực hiện việc hoạch định lại đất đai, đặt định quan chế và tiến hành chiêu mộ dân đinh đến định cư làm ăn sinh sống. Đây là cuộc đại di dân lớn nhất trong lịch sử của người Việt tiến về phương nam, trong đó có sự hình thành các làng xã trên vùng đất Quảng Trị.
Những năm tháng tiếp theo về sau này, khi Nguyễn Hoàng vào đảm trách nhiệm vụ trấn thủ vùng Thuận Hóa. Trên bước đường chạy trốn khỏi lưỡi gươm oan nghiệt của người anh rễ Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng cũng đã kịp nuôi nấng và mang theo một hoài bảo thật lớn lao, đó chính là ý đồ cát cứ. Bằng tài năng và đức độ, cộng với những danh vọng lớn lao của mình nên trong quá trình từ đất bắc vào Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã được nhiều người ủng hộ hưởng ứng, hòa chung trong đoàn tùy tùng đi vào vùng đất mới để lập nghiệp.
Đó là những hoàn cảnh lịch sử dẫn đến các cuộc nhập cư của người Việt về phía nam trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày nay. Xét về động lực di dân thì phần lớn là do chủ trương điều phối nhân lực của nhà nước, được thể hiện qua các cuộc đại di dân, di dân tập trung có tổ chức và quy mô, dựa trên lời kêu gọi của nhà nước. Đó là vào các năm 1069, 1104, 1252, 1306, 1402, 1430, 1434, 1444, 1446, 1471, 1558, 1648. Tuy nhiên, nhìn trên phương diện tổng thể và lâu dài thì công cuộc di dân khai khẩn vùng đất mới vẫn mang tính tự động và tự phát nhiều hơn. Bên cạnh những đợt chuyển cư theo chiếu lệnh của nhà vua mang tính nhà nước, có quan binh lo về an ninh và phần nào có trợ cấp ban đầu của chính quyền là quá trình di cư lẻ tẻ, thưa thớt và rời rạc của từng nhóm nhỏ, thậm chí là từng gia đình, từng người một. Qua thời gian số lượng ngày một đông lên và hình thành nên các làng xã nối dài trên dải đất miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng.
Quá trình hình thành làng xã của người Việt trên vùng đất Quảng Trị trong tiến trình lịch sử
Song hành với các đợt di dân là sự hình thành của các xã/làng. Các xã/làng người Việt có mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày nay cũng bắt đầu được định hình trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể như vậy. Trên thực tế, có thể nhận định rằng cuộc nhập cư đầu tiên của người Việt lên vùng đất Quảng Trị để rồi hình thành nên các xã/làng được diễn ra dưới thời nhà Lý. Bắt đầu từ mốc thời điểm này đã thiết lập nên một hệ thống làng mạc ở ven các vùng đồi đất đỏ bazan, các vùng thung lũng thấp, ven sông và ven biển thuộc phía bắc sông Minh Lương/Hiền Lương, tức là toàn bộ vùng đất Vĩnh Linh ngày nay. Tuy nhiên, ở giai đoạn này tên gọi của các làng/xã không được chính sử biên chép lại.
Đến cuối thời Trần, suốt thời nhà Hồ và thời thuộc Minh, những làng xã người Việt tiếp theo được thiết lập lên vùng phía đất Quảng Trị và tiến dần về phía nam. Từ sau năm 1306, từ bờ nam sông Hiếu trở vào, các xã/làng của người Việt bắt đầu xuất hiện.
Dưới thời Lê - Mạc, từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ của các phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước. Địa giới tỉnh Quảng Trị ngày nay lúc bấy giờ thuộc trấn/phủ/lộ Thuận Hoá (Thừa tuyên Thuận Hoá), bao gồm châu Minh Linh (thuộc phủ Tân Bình) và các huyện Võ Xương, Hải Lăng (thuộc phủ Triệu Phong). Trong giai đoạn này, một số lượng lớn các xã/làng đã có mặt và được Dương Văn An thống kê rất rõ trong sách Ô Châu Cận Lục (1555). Theo đó, châu Minh Linh có tất cả 65 xã/làng gồm Tùng Công (Huỳnh Công), Tân Sài (Tân Trại thượng, hạ), Minh Ái (Minh Lương/Hiền Lương), Lân Trì (Đan Thầm), Cổ Trai, Tùng Luật, Đan Duệ, Tang Ma (Gia Lâm), Lâm Sài (Phúc Lâm), Sa Lung, Hàm Hòa, Hồ Xá, An Điền (An Do/Du Nam, An Do/Du Đông), Thượng Lập, Trung Lập, Lai Cách, Mô Nham, Thạch Ma (Thạch Tuyền/Thạch Bàn), Cổ Hiền, Tiên Trạo, Võ Tá (Mỹ Tá), Phan Xá, Hoàng Xá Thượng (Huỳnh Thượng), Huỳnh Xá Hạ (Huỳnh Hạ), Nguyễn Xá (Quảng Xá), Lâm Cao, Tử Lai (Tiên Lai), Đặng Xá, Duy Viên, Lại Xá, Thủy Ba Thượng (Thủy Ba Tây, Thủy Ba Đông), Thủy Ba Hạ, Vũ Xá/Võ Xá, Kinh Môn, Bùi Xá (An Xá), Lễ Môn, Cao Xá, Gia Môn, Hương Gia (Lan Đình), Lại Phúc, Phúc Thị (Phước Thị), Hà Lạc Thượng (Hà Thượng, Lạc Tân), Hà Lạc Hạ (Hà Trung, Hà Thanh), Hy Nguyễn (Hạo Hy/Cao Hy), Trí Tuyền (Phước Tuyền/Phước Toàn/Phước Mỹ), Trúc Lâm, Sùng Hoa Hạ (Vinh Hoa hạ/Vinh Quang Hạ), Sùng Hoa Thượng (Vinh Hoa thượng/Vinh Quang Thượng), Mai Xá, Diêm Hà Thượng, Diêm Hà Hạ, Lâm Ngang, Thì Thái Thời Hoà (Xuân Hoà), Xuân Lôi (Xuân Long), Hải Chữ, An Bạch (Bạch Lộc), Bào Phố (Cẩm Phổ), Thuỵ Khê, Nhĩ Thượng, Nhĩ Hạ, Nhĩ Trung. Còn lại 3 xã/làng là Thử Luật (nay thuộc xã Vĩnh Thái), Thuỷ Cần (nay thuộc xã Vĩnh Kim/Kim Thạch), Thuỷ Trung (nay thuộc xã Vĩnh Trung/Trung Nam) và 1 thôn Mỗi Thôn/Thuỷ Tú (nay thuộc xã Vĩnh Tú) huyện Vĩnh Linh ngày nay lúc bấy giờ thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Huyện Vũ Xương có 59 xã/làng gồm Hoa Vi (Hoa Viên/Xuân Viên), Đông Dương, Diên Cát (Diên Khánh), An Nghi (Đa Nghi), Cổ Luỹ, Toàn Giao (Kim Giao), Đan Quế/Đơn Quế, Phương Lang, Cổ Kinh (Phú Kinh), Trung Đan/Trung Đơn, Tiểu Khê (Mỹ Khê), Văn Phong, Linh Vũ (Linh Yên), Linh Chiểu, Đạo Đầu, Hội Khách (Hội Yên), Đại Hào, Hoà Điều (Vân Hoà), Vân Đoá (Vân Tường), Vân Động (Tường Vân), Hướng Ngao (Điếu Ngao), Thượng Đô (Thượng Nghĩa), Hạ Đô (Đông Lai), Lang Gia (Phương Gia), Nhan Biều, Ôn Tuyền (Lễ Tuyền/Lệ Xuyên), Ái Tử, Trung Chỉ, Thượng Độ (Thượng Độ), Hạ Độ (Đại Độ), Nghĩa Đoan (Nghĩa An), Chính Lộ (Cam Lộ), Thượng Nguyên, Trà Bát (Trà Liên), Vĩnh Phúc (Vĩnh Phước), Thiên Áng (Đại Áng), Lai Cách (Lai Phước), Thanh Lê, Trâm Hốt (Trâm Lý), Trúc Giang (Trúc Khê), Kỳ Trúc, Bích Đàm (Bích Giang), An Cư, An Việt (Việt Yên), Trúc Liêu (Phú Liêu), Bố Liêu, Lâm Lang, Trương Xá, Chính Đường (Cam Đường/Cam Vũ), Kim Đâu, Trúc Kinh, Tiểu Áng (Phú Áng), Tam Vô (Tam Hữu), Liên Trì (Tây Trì), Tài Lương, Phù Hoa (Võ Thuận, Trúc Thuận), An Nhân/An Nhơn, An Nghiệp (An Lạc).
Huyện Hải Lăng có 49 xã/làng gồm An Thư/An Thơ, Vĩnh Hưng (Hưng Nhơn), Văn Quỹ, Câu Nhi, Hà Lộ, Lãng Uyên, Đoan Trang (Mỹ Chánh), Diên Sinh, Câu Hoan, Trà Trì Thượng, Trà Trì Hạ, Lam Thuỷ, Mai Đàn, Hương Lan (Hương Vận/Văn Vận), Hương Liễu (Hương Liệu/Phương Sơn), Long Đôi (Long Hưng), Thái Nại (Đại Nại), An Khang (An Thái), Hoàng Xá (Thượng Xá), Xuân Lâm, Tích Tường, Như Lệ, Thạch Hàn (Thạch Hãn), Cổ Thành, Thương Mang, Hoa Ngạn (Phương Ngạn), Phù Lưu, Nha Nghi (Vệ Nghĩa), Hữu Điều (Hữu Niên), Hoa La (Bích La), An Lộng, Hà Mi, Nại Cửu, Dương Lệ, Dương Chiếu (Dương Lộc), An Toàn (An Lợi), Đồng Giám, Dã Độ (Dạ Độ), An Dã (An Dạ), Quảng Đâu (Quảng Điền), Đâu Động (Lượng Động/Quảng Lượng), Phúc Lộc, Đại Bối (Đại Hoà), Tiểu Bối (Duy Hoà), Đại Bị (Đại Lộc), Tiểu Bị (Dương Lộc), An Hưng, Hà Bá (Hà Tây), Đâu Kênh.
Những lớp người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này để lập làng vốn là những chiến binh từng tham gia trong đoàn quân mở cỏi. Sau khi mãn hạn binh đao, bộ phận này đã tự nguyện ở lại vùng đất mới để tiến hành khẩn hoang điền thổ, chiêu mộ dân đinh đến làm ăn sinh sống và rồi hình thành nên các làng xã. Lớp người này về sau được dân làng suy tôn là Tiền khai khẩn, Hậu khai canh của làng. Ban đầu, những nhóm cư dân Việt mới từ bắc vào sống cộng cư với bộ phận Chămpa còn sót lại. Việc này được Dương Văn An chép rằng “người La Giang nói tiếng Chiêm, đàn bà Thuỷ bạn thì mặc áo Chiêm”. Qua thời gian, trước sự phát triển lớn mạnh không ngừng của người Việt đã khiến không ít người Chăm bị đồng hóa. Số còn lại, do không chấp nhận chung sống với người Việt nên họ đã chuyển đi nơi khác và nhường lại lãnh thổ cho các làng người Việt.
Tiếp theo các làng hình thành từ thời nhà Lê là những làng được hình thành dưới thời chúa. Năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm vùng Thuận Hoá, dòng người Việt tiếp tục vào nhập cư và hình thành nên nhiều xã/làng. Bấy giờ, huyện Hải Lăng được chia làm 5 tổng là Hoa La, An Thư, An Dã, Câu Hoan và An Khang.
Tổng Hoa La có các làng mới hình thành là Hồng Khê, Nại Diên, Tả Hữu, An Tiêm, Cổ Bưu, Dư Triều, Hậu Lễ, Xuân An, Vạn Long, Nà Nẫm.
Tổng An Thư có làng Hội Kỳ.
Tổng An Dã có các làng An Trung, An Lệ nhị giáp, Giáo Liêm, Phú Tài, Thanh Liêm, Hiền Lương, Phan Xá, Trúc Đăng.
Tổng Câu Hoan có các làng Trường Sinh, An Phúc, Hà Lộc, Lương Phúc (Lương Điền), Miễn Trạch, Đổ Phùng.
Tổng An Khang có các làng La Duy, Anh Hoa (Anh Tuấn), Duân Kinh, Thi Ông, Mai Lộc, Phú Xuân, Mai Hoa, Mai Đàn Thượng thôn.
Huyện Đăng Xương cũng được chia làm 5 tổng là An Phúc, An Lưu, An Cư, An Đôn và An Lạc. Các xã/làng mới xuất hiện là An Phúc, Diên Phúc, Kim Lung (Kim Long), Ba Du, Thượng An, Đôn Điềm, Thâm Khê, Mỹ Thuỷ, Tân An (thuộc tổng An Phúc); các làng An Lưu, Thượng Trạch, An Phủ, An Trú, Đồng Bào, Thanh Lê, Xuân Dương, Trung An, Phú Hải, Phú Toàn, Ba Lăng, Gia Đẳng, Thuận Đầu, An Hội, Tân An, Ngô Xá Đông giáp, Ngô Xá Tây giáp (thuộc tổng An Lưu); các làng Bồ Bản, Đăng Quang (Long Quang), Lại Phúc, An Trạch, Nhu Lý, Lưỡng Toàn (Lưỡng Kim), Mỹ Lộc, Tân Định, Phúc Lễ, An Tục, Phụ Luỹ (Phó Hội), Khang Vĩnh, An Toàn, Tân An (thuộc tổng An Cư); các làng An Đôn, Thượng Phước, Trà Lễ, Vân An, Hà Xá, Lập Thạch, Phương Lương, Phú An, Lãng Phúc (Lạng Phước), Đông Hà, Đông Vu, Ỷ Bích, Bạch Câu, Cây Khế, Giang Hến, Thiết Trường tứ chính, Thiết Trường hạ phường, Sơn Trập, Sơn Bàng, An Trung ngũ giáp (thuộc tổng An Đôn); các làng Phả Lại, Đình Tổ, Định Xá, Thanh Lương, An Bình, Phú Ngạn, Nhật Lệ, Thuận Đức, Phi Hưu (Phi Thừa), An Thịnh, Bàu Đá, Trung Hác (Mỹ Hoà), An Xuân, Phúc An (Phú Hậu), Khang Mỹ, Đâu Bình, Khang Thái, Tân An, Ba Xuân, Cây Lúa, Bái Sơn, Thiết Trường, Thiên Xuân, Bố Chính, Quật Xá, An Cát (thuộc tổng An Lạc).
Huyện Minh Linh được chia làm 5 tổng là An Xá, Minh Lương, Bái Trời, Thuỷ Ba và Yên Mỹ. Các xã/làng mới được hình thành trong giai đoạn này là Trung Xá, Lang Môn (Gia Môn), Phúc Xuân, Tân An, Kỳ Lâm, Liễu Môn (thuộc tổng An Xá); Liêm Công, Liên Trì, Di Luân (Di Loan), Cồn Cát, Để Võng, Châu Thị, Thịnh Mỹ, Mỹ Lộc, Tứ Chính, Tân Khang, Thương Tuyền, Phú Trường, Phú Xuân thị (Phú Thị), An Khang (thuộc tổng Minh Lương); các phường/làng Tân An, An Hướng, Trung An, An Định, Cảnh Sơn, Long Sơn, Gia Định, An Khê, Phú Ốc, Thương Nhậm, Phú Vinh, An Định Nha, An Phúc, Khang Xá, Nam Dương, Bình An, Phú Xuân, Khe Sông và An Lộc (thuộc tổng Bái Trời); Mỹ Xá, Phúc Thuận, Đại Phúc, Phúc Lộc (thuộc tổng Thủ Ba); Yên Mỹ (An Mỹ), Hoàng Hà, Hà Lợi Thượng, Hà Lợi Trung, Hà Lộc, An Lộc, Đại Lộc, Ngọc Giáp, Trung An, Phúc An, Bạch Câu, Tây Giáp, Xuân An, Trù Cương, Mai Xá Thị, Cảnh Dương (thuộc tổng Yên Mỹ).
Cuối thế kỷ XVIII, hệ thống làng mạc ở Quảng Trị về cơ bản đã đi vào ổn định. Trong giai đoạn này, quá trình hình thành thêm các xã/làng mới theo hình thức chuyển cư/di cư như trước diễn ra rất ít. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng các xã/làng, thôn, phường, giáp mới xuất hiện trên cơ sở tách ra từ những làng chính, làng cái. Ngoài ra còn có thêm một số phường/làng mới đến tụ cư. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày nay, dưới thời Đồng Khánh, huyện Thành Hoá (Cam Lộ) xuất hiện thêm các xã/làng, thôn, phường, giáp là xã Mộc Đức, thôn Phúc Xá, phường An Mỹ, phường Thiện Chính, phường Cao Hy, phường An Thái, phường Phan Xá, phường Thọ Xuân, phường Tân Định, phường Tân Hoà, phường Tân Hưng, phường Tân Thành, phường Tân Hoà, phường Tân Mỹ, phường Tân Trúc, giáp Hiếu Đức (thuộc tổng Cam Đường); phường Phổ Lại, phường Cẩm Thạch, phường Tuy Lộc, phường Phú Hậu, phường Bằng An, xã Hoan Thịnh, giáp An Thái (thuộc tổng An Lạc); phường Hiếu Sơn/Hảo Sơn, phường Tân Minh, phường An Hoà, phường Phương Xuân, phường Thanh Khê, phường Phú Ân, phường Tân Xuân, phường Gia Bình, phường Lịch Sơn, phường Phú Thọ, phường Ninh Xá (thuộc tổng Bái Ân); phường Mai Lộc, phường Mai Đàn Thượng, phường An Thái Thượng, phường Việt Yên, phường Trung Chỉ, phường Miễn Hoàn, phường Bảng Sơn, phường Cam Lộ, phường Làng Phúc, phường Lập Thạch, phường Hà Xá, phường Câu Hoan, phường Quân Ngao, phường Phương An, phường Tân Kim, phường Mậu Hoà, phường Tân Sơn, phường Tân Lâm (thuộc tổng Mai Lộc). Huyện Đăng Xương (Triệu Phong) xuất hiện thêm các xã/làng, thôn, phường, giáp là phường Yên Mô/An Mô, phường Tân Xuân, thôn Hậu Kiên, thôn Trung Kiên (thuộc tổng Bích La); xã Lương An, thôn Tả Kiên, ấp Kiên Mỹ, giáp Trung phường Trung Yên (thuộc tổng An Đôn); phường Dương Xuân, phường Thịnh Hội, phường Bảo An, phường An Lợi, phường Vĩnh Hoà (thuộc tổng An Cư); xã An Bình, xã An Lợi (thuộc tổng An Dã); tổng An Lưu giai đoạn này không thấy xuất hiện thêm các xã/làng, thôn, phường, giáp. Huyện Hải Lăng xuất hiện thêm các xã/làng, thôn, phường, giáp là phường Trinh Thạch, phường Phú Xuân, phường Sái Xuân (thuộc tổng An Thái); phường Xuân Lộc, thôn Trường Phúc, thôn Thuận Nhân (thuộc tổng Câu Hoan); xã An Nhân, xã Phương Da, xã Mỹ Thuỷ, xã Ba Thâu (thuộc tổng An Nhân); tổng An Thư không xuất hiện thêm xã/làng, thôn, phường, giáp. Huyện Minh Linh xuất hiện thêm các xã/làng, thôn, phường, giáp là phường Phước Lý, phường Thuỷ Liên, phường An Ninh, phường An Thái (thuộc tổng Minh Lương); xã Xuân Mỵ, phường Cát Sơn, phường Bảo Lộc, phường An Xuân, xã Vũ Xá, xã Cương Gián, (thuộc tổng Xuân Hoà); phường Khánh Thọ, phường Vĩnh Lộc, thôn Mỹ Thành, phường An Cư, phường Dục Đức (thuộc tổng Thuỷ Ba); trang Minh Lý, thôn Hoà Lạc, phường Tân An, thôn Ba Nguyệt, phường Tứ Chính, phường Tân Định, thôn Chấp Lễ, giáp Yến Vũ (thuộc tổng Hồ Xá). Huyện Do Linh xuất hiện thêm xã Đào Xuyên (thuộc tổng An Xá); phường Quảng Xá, phường Phú Phụng, phường An Phú, phường Dương Xuân, phường Nam Dương Đông, phường Nam Dương Tây, phường Bác Vọng, phường Xuân Lộc, phường Xuân Thành, phường Vạn Kim, phường An Phú, phường Bái Sơn, thôn Chợ (thuộc tổng Yên Mỹ).
Những làng ở vùng đồng bằng được hình thành sớm hơn so với các làng ở phía thượng du. Ngoài những làng được định hình từ sớm trong lịch sử thì dần dà qua thời gian lại xuất hiện thêm những làng mới. Sự có mặt của những làng mới này xuất phát từ hai trường hợp chủ yếu. Thứ nhất, đó là những làng di cư vào vùng Thuận Hóa ở những khoảng thời gian muộn về sau này (khoảng thế kỷ XVII - XVIII), tức là sau các làng đã hình thành trong đợt di dân nhập cư diễn ra dưới thời Nguyễn Hoàng. Cư dân của những làng mới này cũng có nguồn gốc ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh hoặc xa hơn nữa ngoài vùng đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thăng Long... Khi xã hội phong kiến ngày một phát triển, cư dân trở nên đông đúc, ruộng đất công chiếm đại đa số khiến những cánh đồng chiêm trũng rộng lớn thẳng cánh cò bay ở đồng bằng Bắc Bộ trở nên chật chội, nhỏ hẹp không đủ để canh tác cày cấy. Bộ phận những cư dân không có ruộng vườn buộc phải chèo kéo nhau tiến vào vùng Thuận Hóa trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Trị để làm ăn sinh sống. Ngay từ buổi đầu “chân ướt chân ráo” bước vào vùng đất mới, một bộ phận cư dân này đã xin gia nhập vào các làng đã được định hình từ trước. Họ được chấp nhận với tư cách là những “khách hộ”. Một thời gian sau họ trở thành “chính hộ” và có quyền lợi đồng đẳng như những cư dân chính của làng. Qua tư liệu đinh bạ thời Thái Đức có trường hợp chỉ sau hai năm cư ngụ tại làng, những người ngụ cư được cho “trục” vào dân cư chính của làng. Bộ phận còn lại vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan khác nhau đã không nhập làng mà tiến hành khai phá những khu đất còn hoang hóa chưa có chủ sở hữu nằm cạnh các làng cái, làng chính. Họ dựng nhà cửa để định cư và khai thác điền thổ. Sau đó, trong quá trình sinh sống họ đã tiếp cận, quan hệ với các làng cái để trao đổi mua bán, lấn chiếm và thậm chí là dùng thủ đoạn lừa gạt đất đai để nới rộng địa vực cư trú và diện tích canh tác. Từ đó các làng mới được ra đời, họ được chính quyền sở tại lúc bấy giờ công nhận và chính thức có tên trên bản đồ làng xã Quảng Trị.
Con đường thứ hai hình thành những làng mới xuất phát ngay chính trong nội tại các làng chính/cái và ít nhiều có phần mang tính “quy luật”. Khi những làng được hình thành từ xa xưa thì vốn ban đầu cư dân đang còn ít ỏi, họ tụ cư gần kề nhau và mang tính co cụm theo kiểu chòm xóm nhiều hơn. Nhưng dần dà qua thời gian, các dòng họ trong một làng sinh con đẻ cháu làm cho dân số ngày càng phát triển. Cộng thêm bộ phận dân cư mới xin gia nhập làng đã khiến cho sổ hộ tịch của làng ngày một dày lên. Từ đó dẫn đến một hệ quả tất yếu là nhu cầu về nhà ở và đất canh tác ngày càng lớn. Việc dựng nhà cửa bắt đầu có sự giản nở và hình thành nên các xóm mang tên gọi như xóm trên, xóm dưới, xóm làng, xóm cồn, xóm bàu, xóm thượng, xóm hạ, xóm trung,… Các xóm này tồn tại và phát triển trong phạm vi của một làng. Cho đến khi mạnh dần lên, cư dân trở nên đông đúc, diện tích đất canh phá thêm ngày một rộng rãi và dần dần vượt ra khỏi sự quản lý của làng. Họ bắt đầu tách dần ra khỏi làng chính, xin lập điền bộ, đinh bộ và thuế bộ riêng. Từ đó hình thành nên những làng mới tồn tại độc lập, có đầy đủ tư cách pháp lý và được chính quyền nhà nước quản lý bảo vệ.
Bên cạnh những làng Việt thuần nông thì trên địa bàn Quảng Trị còn có những vạn/làng chài. Họ là những cư dân làm nghề sông nước đánh bắt thủy hải sản trên các dòng sông và ven biển. Nghiệp mưu sinh “bềnh bồng thủy diện” đã đưa đẩy họ đến với vùng quê Quảng Trị mà cụ thể là dọc theo bờ biển và trên các dòng sông. Trong quá trình hành nghề bộ phận cư dân này đã dạt vào hai bên bờ để neo đậu thuyền bè và xin một khoảng đất nhỏ để phơi ngư cụ và chôn cất người quá cố. Sau đó, bằng nhiều hình thức khác nhau như xin cho, mua bán, lấn chiếm… họ đã nới dần đất đai ra và bắt đầu lên định cư lâu dài. Kết hợp kinh tế nông ngư nghiệp để làm ăn và sinh sống. Có thể nói cư dân của các vạn/làng chài là một bộ phận không nhỏ đã góp phần tô vẽ cho bức tranh làng xã người Việt Quảng Trị thêm phần phong phú và đa dạng.
Sự hình thành các làng xã người Việt trên vùng đất Quảng Trị diễn ra xuyên suốt trong lịch sử từ trung cận cho đến hiện đại. Vào nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, vùng đất phía tây ngược lên phía thượng nguồn của các con sông bắt đầu hình thành thêm những làng mới. Sự xuất hiện những làng mới này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trước hết là do thời điểm lúc bấy giờ mật độ làng xóm ở vùng đồng bằng trở nên dày đặc, dân số tăng nhanh. Trong khi đó diện tích đất vốn có không còn đủ để đáp ứng nhu cầu canh tác nên một số bộ phận dân cư từ các làng nơi đây bắt đầu tiến về phía tây, nơi có đất đai rộng rãi, rừng núi bao la để khai phá trồng trọt. Ban đầu họ dựng lều trại ở lại để làm ăn trong một thời gian ngắn rồi xuôi ngược lên về bằng thuyền bè. Dần dần nhận thấy đất đai nơi đây màu mỡ, cây cối tốt tươi, việc sản xuất nông nghiệp thuận lợi và những vụ mùa bội thu đã níu giữ chân họ ở lại. Từ đó bộ phận cư dân này quyết định lên đây sinh sống lâu dài.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự ra đời của các làng xã người Việt ở vùng đồi núi trung du xuất phát từ chính sách cai trị và khai thác thuộc địa của thực dân thực dân Pháp. Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước sự bóc lột hà khắc của nền chính trị thuộc địa, một số cư dân vùng đồng bằng đã chạy trốn thuế thân lên đây lập nghiệp. Từ đó hình thành nên các làng mới. Bên cạnh đó còn có một số quan lại, địa chủ có quyền hành đã lên đây bao chiếm đất đai để lập trang trại đồn điền, thuê nhân công lên canh phá và sản xuất nông nghiệp để thu lợi. Một bộ phận cư dân bần cố nông nghèo khổ không có ruộng vườn đã đi theo lên làm ăn sinh sống dần dần họ dựng nhà cửa và định cư lâu dài để rồi về sau hình thành nên các làng xã mới.
Ngoài hai nguyên nhân dẫn đến sự hình thành các làng xã ở vùng trung du và thượng du thì một số làng còn lại được hình thành dựa trên chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Vào những năm từ 1960 - 1980, hưởng ứng chương trình di/giản dân đi làm ăn kinh tế mới, một số bộ phận dân cư ở các xã đồng bằng đã lên đây lập nghiệp và lập nên các làng mới. Mặc dù đã tách thành một làng mới, tồn tại độc lập và định cư gần như tách biệt về mặt không gian nhưng mọi sinh hoạt làng xóm và tôn tộc thường năm nơi quê cũ họ đều trở về đóng góp và tham gia đầy đủ. Đây cũng chính là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt đã được đúc kết, duy trì và tồn tại trong tâm thức từ bao đời nay.
Nguồn gốc và thành phần dân cư
Cư dân Việt ra đi từ đất Bắc trên bước đường tiến dần về phương Nam vốn có quê hương bản quán từ Thăng Long, Tứ Trấn, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh…, trong đó gốc Thanh Nghệ là chủ yếu. Năm 1069, hưởng ứng lời kêu gọi di dân của vua Lý Thánh Tông, cư dân Đại Việt bắt đầu vượt Đèo Ngang vào khai phá vùng đất mới. Trong số cư dân ấy, những người có cùng họ tộc thường tụ tập một nơi rồi lập thành một xã (làng). Đó là các xã (làng) đầu tiên của người Việt được thành lập ở châu Lâm Bình, châu Minh Linh, tức phía nam Quảng Bình và phía bắc Quảng Trị ngày nay. Ranh giới hoạch định giữa hai quốc gia Chăm - Việt lúc bấy giờ là sông Hiếu.
Sang đến đời nhà Trần, nhờ mối quan hệ giao hảo giữa hai quốc gia Chăm - Việt mà đặc biệt là sau đám cưới Huyên Trân công chúa (1306) thì phần đất từ nam sông Hiếu trở vào bắc Quảng Nam mới chính thức nằm trong cương vực Đại Việt. Châu Ô của Chămpa trở thành Châu Thuận của Đại Việt trong đó bao gồm huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà ngày nay. Thời điểm này quá trình di dân lập ấp của người Việt vào vùng Thuận Hóa mới chính thức bắt đầu. Các làng Việt thay thế dần những làng Chăm và từng bước phát triển lớn mạnh dần lên qua các thời kỳ lịch sử.
Đến thời nhà Hồ, sau khi thu lại được đất của người Chăm, Hồ Qúy Ly đã ra lệnh cho những cư dân có tiền của mà không có ruộng vườn từ Nghệ An, Thanh Hóa tiếp tục di cư về phương nam để làm ăn sinh sống, thiết lập nên các làng xã tiếp theo của người Việt.
Thời nhà Lê, sau khi bình định xong Chiêm Thành, kết thúc sự tồn tại của vương quốc Chămpa, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu chiêu mộ nhân dân vào ở. Trong dòng người di cư đó có người từ Nghệ An, Hà Tĩnh, họ vốn quen thạo nghề ghe thuyền đã vượt biển tiến vào sinh sống.
Về thành phần dân cư và xã hội, dòng người Việt ra đi từ đất Bắc tiến về Nam trong lịch sử gồm rất nhiều hạng người. Trước hết, lúc sơ khởi những cư dân được coi là đặt nhát cuốc phở hoang đầu tiên trên vùng đất mới phải kể đến đó là những chiến binh, quan lại, những người tiên phong trong hành trình mở mang bờ cỏi qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn … Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, lớp người đó đã tự nguyện ở lại vùng đất mới. Họ tiến hành khẩn hoang điền thổ, tập hợp và kêu gọi dân đinh đến làm ăn sinh sống, lập nên phường hiệu, làng xã.
Tiếp đến là những người nông dân nghèo khổ không có ruộng vườn ở phía Bắc vào làm ăn sinh sống với niềm hy vọng ước mong sẽ có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn nơi vùng đất mới. Trong những khoảng thời gian này còn có một bộ phận cư dân có tiền của mà không có ruộng vườn canh tác cũng được theo vào. Bên cạnh đó còn có một bộ phận không nhỏ bị bắt buộc phải di cư vào Nam dưới thời nhà Lê. Đó là những tù nhân bị kết án lưu. Bấy giờ trong ngũ hình về lưu đày được chia thành 3 loại: lưu cận châu là bị đày đi các xứ Nghệ An, Hà Tĩnh; lưu ngoại châu là lưu đi các xứ thuộc châu Bố Chính; lưu viễn châu là lưu đi các xứ Tân Bình. Thành phần di cư vào Nam trong bối cảnh lúc bấy giờ còn có những kẻ trộm cướp, những nghịch đảng bị pháp luật truy đuổi đã phiêu bạt đến đây lánh nạn. Và bên cạnh đó còn có những phần tử bất mãn xã hội cũng hòa chung vào dòng người tiến vào Nam để kiếm chổ dung thân….
Tóm lại, từng đó hạng người, xuất phát từ thân phận và hoàn cảnh khác nhau, bằng nhiều lý do và con đường khác nhau, họ đã từng bước tiến dần về phía nam, tạo lập nên các làng xã tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. Công cuộc khẩn hoang buổi đầu tập trung nơi vùng đồng bằng phù sa màu mở, đất bãi bồi ven các dòng sông. Về sau nhu cầu mở rộng và phát triển đã lan dần về phía tây trên vùng “lâm lộc” đất gò đồi và mở rộng về phía đông trên vùng “thổ ương” đất bàu đầm. Bằng các hoạt động “trưng khẩn”, “thác thổ” và lập xã hiệu, lần lượt các làng xã ra đời đã tạo nên một bức tranh sống động, một quang cảnh sầm uất cho một vùng đất mới. Từ một vùng đất phên dậu biên thùy đầy biến động đến một chiến trường ác liệt binh đao khói lửa, với rất nhiều biến cố ly thương tan hợp lưa thưa buồn tẻ nhưng đến giữa thế kỷ XVI đã trở thành một nơi đô hội như tác giả Dương Văn An đã từng miêu tả trong Ô Châu Cận Lục rằng “ non sông kỳ tú, ruộng đất mở mang, nhân dân đông đúc, thực là nơi đô hội lớn của một phương. Cảnh tượng vui tươi, phong vật quý giá còn đâu hơn nữa!”./.
Trịnh Cao Nguyên
Tài liệu tham khảo
1. Phan Khoang. Việt sử xứ Đàng Trong. Nhà xuất bản Văn Học, 3-2011.
2. Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 3-2005.
3. Dương Văn An. Ô Châu Cận Lục. Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, 3-2009.
4. Lê Quý Đôn. Phủ Biên Tạp Lục. Nhà xuất bản Văn Hóa - Thông Tin, 2007.
5. Huỳnh Công Bá. Mấy đặc điểm về làng xã Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẳng. Nghiên Cứu Huế, tập 4 - 2002, tr 72.
6. Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét