![]() |
Tác giả Nguyễn Bá Trình |
Năm nay trời mưa ghê. Bây giờ đã là ngày hai
mươi mốt tháng mười một.Vậy là ngày Hiến
chương Nhà giáo đã trôi qua một ngày.
Không nhớ cơn mưa
bắt đầu từ khi nào, nhưng ít ra cũng trên nửa tuần nay rồi. Trời ơi, mưa gì dễ
sợ, đêm nào cũng vậy, cứ thức giấc là nghe ngoài trời ầm ầm ào ào giống như
mình đang đi xe lửa.
Từ phòng hội đồng nhà trường nhìn ra, Thúy Lan thấy mấy tán
cây cúi oằn xuống dưới mưa, cái dáng như thể ai đó đang xõa tóc gội đầu. Có lẽ
nó đang thỏa thích, vì vừa trải qua một mùa nắng nóng kéo dài gần bốn năm
tháng.
-Sau cơn mưa nầy
nữa là trời hết nước rồi đấy.
Thanh nói với Thúy
Lan. Thanh là cô giáo trẻ dạy môn sinh vật, mới chuyển đến trường được
hơn một niên khóa. Thuy Lan cũng có tiết trống, ngồi trong văn phòng nhìn ra
sân mưa.
-Em còn mấy tiết
nữa?Thúy Lan hỏi Thanh.
-Em chỉ có một
tiết cuối. Chia thời khóa biểu chi mà ác. Ngày nào cũng có tiết đầu, trống hai
ba tiết giữa, dạy tiết bốn tiết năm.Thanh nỉ
nôi.
-Em còn trẻ chưa
chồng chưa con, dạy vậy cũng được. Tranh thủ giờ trống, em đem giáo án ra soạn
đi, hoặc chấm bài.Chán chi việc làm. Làm ở trường thì về nhà bớt việc, mình làm
việc khác. Bọn chị có con có cái mới khổ.
Hai cô giáo trống
giờ ngồi trong văn phòng chuyện trò cùng mấy thầy cô hết tiết.
Hết than thở thời
khóa biểu đến lượt thở than học sinh. Thanh hỏi Thúy Lan:
-Lớp chị tháng nầy
đứng thứ mấy?
-Gần út ét. Lớp
chị học sinh cá biệt nhiều lắm. Tuần nào không xẩy ra chuyện nầy cũng có chuyện khác. Điểm thi đua bị trừ dài dài
-Gần út ét là thứ
mấy chơ? Thanh hỏi.
-Mười sáu trên hai
mươi. Chẳng lẽ công bố trong giờ
chào cờ sáng thứ hai vừa rồi mà em không nghe hả.
-Em chỉ chú ý đến
lớp em thôi. Lớp nào có vị thứ cao hơn lớp mình thì em nhớ, bởi mình chú ý xem đã đến tên lớp mình chưa. Khi đọc đến tên lớp mình rồi thì các lớp
sau việc gì phải quan tâm.
-Nghĩ cũng buồn
cười thật -Thúy Lan nói- Học sinh nào không là học sinh. Bày ra cái thi đua
khiến giáo viên nào cũng chỉ bo bo lo cho học sinh lớp mình, còn học sinh lớp
khác thì chẳng quan tâm tới. Mà dù có quan tâm cũng không đủ sức. Chỉ lo cho
lớp mình cũng bã hơi tai rồi, còn sức đâu quan tâm đến lớp khác.
Thúy Lan vừa nói
vừa lục cặp tìm xấp bài ra chấm.
Thúy Lan là cô
giáo dạy môn toán cùng tổ tự nhiên với
Thanh. Năm nay cô đúng ba mươi lăm tuôi, nhưng nhiều lần phụ huynh học sinh hỏi
thì cô trả lời ba mươi bảy. Không phải cô sợ con số 35 mà cô sợ phụ huynh bảo
cô già trước tuổi. Làm nghề dạy học cô giáo nào cũng sợ vậy. Mặc dầu có chủ
trương trường học thân thiện nhưng cái thân thiện chỉ để trong bụng thôi, bao giờ cái nhíu mày của các cô
vẫn là thứ vũ khí tự vệ thường trực, bỏ
nó đi là đàm học sinh quậy sẽ tấn công ngay.
Thúy Lan là một trong những giáo viên cốt cán và có kinh nghiệm của
trường. Nên thường được nhà trường giao cho làm chủ nhiệm những lớp khó nuốt
cho trôi.
Đem xấp bài trải
ra trước bàn rồi nhưng Thúy Lan vẫn chưa chấm, cô tiếp tục câu chuyện đang nói
dở với Thanh.
Hết chuyện thi
đua, Thúy Lan bắt đầu trở lại chấm bài. Nhưng chấm đến bài thứ ba thì
Thúy Lan dừng tay. Cô đưa cao một bài làm của một học sinh cho Thanh
xem, rồi nói:
-Thanh xem nầy,
bài nầy chị cho giải đi giải lại ba lần ở lớp
rồi mà vẫn rất nhiều em bỏ giấy trắng. Bảo dạy làm sao nữa. Thôi chịu chết!
-Lớp nào cũng vậy
chị à. Thanh nói -Học lớp mười một
rồi mà cọng phân số cũng không biết qui
đồng mẫu. Các em cứ lấy tử cộng tử, mẫu cộng mẫu. Số học sinh nầy cũng phải đến
gần nửa lớp chứ không ít đâu. Theo mấy
thầy cô thì cái lỗi nầy do ai?
Trong phòng Hội
đồng cũng còn vài thầy cô có tiết trống.
Nghe Thanh đặt câu hỏi như vậy, thế là mấy thầy cô ngồi bàn tán. Tất nhiên mỗi
người mỗi ý. Ai cũng có phần đúng.
Nhưng cuối cùng
tất cả đều đồng ý với nhau một điều: Đó là kết quả cùa việc thi đua.
Thúy Lan nói:
-Trong lúc tình
trạng học sinh kém chất lượng như vậy, nhưng trong báo cáo thành tích cuối năm
vừa rồi, kết quả: Diện giáo viên khá giỏi đạt
từ 80 phần trăm trở lên. Học sình từ trung bình trở lên đạt trên 90 phần trăm. Thậm chí năm
kia, trường mình học sinh đỗ tốt nghiệp một trăm phần trăm … thật là quá đáng.
Thanh lắc đầu:
-Nói ra đôi khi bực mình chịu không nổi.
Một nam giao viên
cũng dạy môn toán, xem chừng đã đứng
tuổi, nhìn Thanh cười:
-Thôi uống thuốc
hạ nhiệt đi cô Thanh ơi, đừng để sốt cao quá ảnh hưởng đến não bộ đấy. Cơ thể
đã bệnh thì mỗi tế bào trong cơ thể không ít thì nhiều cũng đều nhiễm bệnh hết.
Em có giỏi thì cho điểm không tất cả những bài làm không đạt đi. Cuối năm lớp
em sẽ đạt học lực trung bình từ ba mươi đến bốn mươi phần trăm trở lại. Vậy là tên em sẽ đứng đầu trong danh sách giáo viên bị giảm biên chế vì
năng lực giảng dạy yếu đấy.
Trong phòng hội
đồng có nhiều tiếng cười.
Thế nhưng Thanh
vẫn chưa hết ấm ức:
-Biết vậy nhưng
nghĩ cũng bực. Với thực trạng như vậy mà
Bộ thì cứ yêu cầu đổi mới phương pháp
giảng day. Nào là phương pháp Khăn trải bàn, nào là phương pháp Lắp ghép, Giáo án điện tử… nghe búa xùa xua. Sao họ
không chỉ cho chúng ta cách đổi mới như
thế nào để hơn một nửa số lượng học sinh
khối mười một, mười hai không biết cộng trừ phân số mà vẫn có thể tiếp thu và
thực hành tốt chương trình toán bậc trung học phổ thông!
Thúy Lan lại bỏ
bút xuống nói với Thanh:
-Không phải em vừa
nói đó sao? Bộ giáo dục thì chỉ căn cứ trên báo cáo. Mà cho dù Bộ có biết thì ông Bộ cũng không có cách nào khác hơn. Cứ tiến theo bước tiến
chung của nhân loại, cái gì không thích hợp tự nó sẽ bị đào thải. Lập luận như
vậy là yên tâm ráo. Giáo viên yên tâm.
Hiệu trưởng yên tâm. Sở, Bộ cũng đều yên
tâm. Nói vậy được chưa cô giáo trẻ.
-Thôi thôi tranh
cãi hoài chuyện nầy chán lắm, nó chẳng đi tới đâu. Còn năm phút nữa mới hết
giờ, tôi sẽ kể cho thầy cô nghe một chuyện tiếu lâm chay nhé. Ai thích nghe thì
đưa tay lên!
Mọi người nhìn lại
xem ai vừa lớn tiếng. Thì ra thầy giáo
dạy toán lúc nãy. Thầy nổi tiếng là người hay nói tiếu lâm và từng đem
lại cho giáo viên những trận cười vỡ bụng sau những tiết dạy mệt mỏi.
-Nhất trí, Nhất
trí!
-Chuyện là thế
nầy, thầy dạy Toán mào đầu –Vẫn là chuyện thi đua trong ngành Giáo
dục ta thôi: Như các thầy cô, ai đã từng đi
chấm thi tốt nghiệp phổ thông đều biết. Trong lúc giám khảo đang chấm
bài thi, mấy ngaì giám đốc Sở Giáo dục các tỉnh thường gọi điện cho nhau hỏi tỉ
lệ học sinh đủ điểm mỗi môn, ở các sở bạn
là bao nhiêu. Nếu thấy điểm thi của học sinh sở mình thấp hơn các sở
bạn, liền chỉ thị cho các tổ bộ môn chấm thi nâng điểm. Cho đến lúc nào thấy
ngang ngang với các sở khác thì thôi. Tại một sở Giáo dục nọ, sau khi hỏi ra
điểm thi môn toán của học sinh sở mình quá thấp, ông Giám đốc chỉ thị mở rộng
đáp án môn toán để nâng điểm. Năm đó đề thi môn toán có câu Khảo sát và vẽ đồ
thị hàm bậc ba. Đồ thị nầy có bảng biến thiên gồm ba giai đoạn theo thứ tự:
Tăng, giảm và cuối cùng là tăng. Do đó đồ thị của nó cũng gồm ba phần theo thứ
tự: Lên, xuống rồi lên lại. Đã mở rộng đáp án đến ba lần nhưng điểm so ra vẫn
thấp. Bị Giám đốc quạt, tổ trưởng chấm toán quýnh quáng chẳng biết mở rộng theo
ngõ nào nữa. Bèn họp tổ chấm toán lại và ra một quyết định rất chi là sát sườn.
Nguyên văn quyết định bằng miệng của tổ trưởng chấm toán như thế nầy:
-Em nào thực hiện
đầy đủ ba bước: Lên, xuống rồi lên lại thì được hưởng tối đa (ý nói được hưởng
điểm tối đa của câu đó)
Một thầy giáo cũng
thuộc loại đứng tuổi, không biết xỏ xiên hay thành thật, thầy hỏi:
-Nếu lần sau cùng,
đã lên được rồi lại xuống. Thì sao thầy tổ trưởng?
Tổ trưởng trả lời:
-Vậy thì không
được hưởng gì cả.*
Câu chuyện vừa
dứt, cả mấy người ngồi trong phòng Hội đồng cười bổ lăn bổ lốc. Nhưng họ vẫn
nghe rõ ba tiếng trống báo hiệu hết tiết.
Thúy Lan bước ra
khỏi phòng hội đồng, vẫn thấy trời mưa như trút nước. Cô nói:
-Chắc trời sắp sập
rồi.
Nguyễn Bá Trình bichlien101046@yahoo.com.vn
*Trường hợp nầy hình vẽ có dạng đồ thị của hàm bậc bốn, không
còn dạng của đồ thị hàm bậc ba theo yêu cầu của đề thi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét