Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

SUỐI NGỖ ... ĐÊM VỀ SÁNG - Lê Văn Ngọc



SUỐI NGỔ… ĐÊM VỀ SÁNG

        -Tặng Chư Huynh Tỷ Đệ Muội Sài gòn và Nha trang

        -Và nhớ lại thời còn Oanh vũ, các đoàn sinh Đổng, Sĩ, Ngạc, Kháng, Am,Thiên Định, Lợi, Đối, Ế, Ngạn, Hoa, Xê, Mùi, Mười, Sẻ, Nga, Hà, Chạy…, Chũng, Hòa, Nậm, Kim ...

        -Quí Anh chi Huynh trướng đầu tiên của gđpt Lương điền: bác Khước (GT), anh Quang, Đích,Tẩn, Khả, Giáo,Thoảng, Đá, Chánh, Quảng, Xiển...,  Hòe (Chài), Luận, Dư, Mười, Nồng … 

                                                                                         ********


             Đêm về như mọi đêm, trời đầy sao, không gian yên tỉnh tăng thêm sự huyền bí của núi rừng… Suối Ngổ về đêm, tiếng đêm, tiếng rì rào của gió núi thổi nhẹ qua rừng đêm, tiếng chim đêm gọi bạn tình, tiếng côn trùng rả rích như sám hối, như nguyện cầu mau mau thoát kiếp luân hồi, xa xa, trăng hạ huyền đã lên, ánh sáng vàng trải dài màn đêm, tiếng đêm, tiếng im lặng của rừng đêm… Ngoài sân chùa, những căn lều vải của chư huynh đến từ Saigòn …,  tiếng võng đưa nhè nhẹ hòa cùng tiếng muổi vo ve, tiếng mớ ngủ, tiếng ngáy đều như lời kinh cầu bình an trong đêm… Trong Chùa, trên điện Phật, điện Mẫu, đèn rạng hương chong hoa đẹp, trang nghiêm, thanh tịnh tột cùng…

              Như thường lệ, khoảng ba giờ sáng, Chú Tư (một Phật tử, Cư sỉ địa phương quyền trụ trì chùa Sắc Tứ Chí Linh sơn tự này,vì chùa xa thành phố và ở trên núi, muốn lên chùa phải đi bộ và leo dốc khoảng 4 km đường rừng, Thầy của GH trẻ thì bận học, già thì không leo núi nổi và phương tiên khó khăn) thức dậy cùng anh Ba và một vài người khách viếng thăm chùa ở lại qua đêm. Chúng tôi là những môn sinh Khí công từ Nha trang lên đây tìm không gian yên tĩnh để luyện tập công phu và nhân có chư huynh đệ Khí công Sài gòn ra dã ngoại tu tập… Sau khi đánh răng, rửa mặt xong, mọi người ngồi quây quần bên chiếc bàn nhỏ, chú Tư yên lặng pha trà, chế cà phê với động tác khoan thai, gọn nhẹ, chú chế từ bình ra chén tống và từ chén tống chiết ra từng chung nhỏ… Chú ngửng đầu lên, vẫn trong yên lặng đưa mắt đưa tay mời mọi người, chúng tôi tiếp nhận lấy… tiếng lách cách nho nhỏ… yên lặng từ từ, chúng tôi đưa chung trà lên trán khấn thầm cúng dường chư Phật, Chư Bồ tát … rồi đưa lên môi, ngụm trà đầu tiên trong ngày, hương trà thơm ngọt, cảm giác lan tỏa thấm đậm lâng lâng như được thắp thêm sức mạnh gia trì lực của tâm linh. Xong buổi trà đạo mini, mọi người ai lo việc nấy, chú Tư, anh Ba lo việc hương đăng cho buổi công phu sáng, chúng tôi cũng sửa soạn công phu, như mọi lần trước, tùy theo trình độ tu tập. Trong khi chùa thỉnh chuông sáng, chư huynh tọa thiền, và sau đó, khi nhà chùa tụng kinh công phu sáng thì chúng tôi mỗi nhóm một việc: nhóm luyện Đại bi huyền công, nhóm tập Chuẫn đề thần công, nhóm tự chửa bệnh bằng khí công hoặc tụng kinh với nhà chùa… Sau mấy vồ nhập chuông nhè nhẹ, anh Ba cất tiếng xướng bài kệ nguyện chuông:

                 Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới            

                 Thiết vi u ám tất giai văn

                 Văn trần thanh tịnh chứng viên thông

                 Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác…

                               (nhập chuông)

                 Văn chung thanh phiền nảo khinh

                 Trí huệ trưỡng, bồ đề sanh

                 Ly đia ngục, xuất hỏa khanh

                 Nguyện thành Phật độ chúng sanh…

                               (nhập chuông)           

                 Tiếp theo là bài kệ cảnh tỉnh:

                 Văn chung ngọa bất khởi

                 Hộ pháp thiện thần sân

                 Hiện thế duyên phước bạc

                 Lai thế thọ xà thân…

                              (bòong….)                                              

                (Nghe chuông không ngồi dậy

                 Hộ pháp thiện thần hờn

                 Đời này ít duyên phước

                 Đời sau làm rắn thôi..)

                 Hồng chung sơ khấu… bồ tát..

                              (bòong…)                                               

                                           

            Bài kệ cảnh tỉnh trên, đã lâu, rất lâu…không biết anh Ba sưu tầm ở đâu ra bài kệ cảnh tỉnh này, vì theo nghi thức thỉnh Đại hồng chung (kinh nhật tụng) không có bài kệ nguyện chuông và bài kệ cảnh tỉnh trên ,bây giờ nghe lại, lòng tôi nao nao…một thời thơ ấu hiện ra …

            Lương Phước Tự, ngôi chùa làng tọa lạc phía tả ngạn ngả ba sông Ô Lâu và Thác ma (nay là chùa làng Lương Điền thuộc xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), tuy là chùa làng nhưng có thầy trụ trì và thường có thỉnh Đại hồng chung buổi sáng và chiều. Làng tôi thời đó có mấy mẫu ruộng tốt cấp  cho chùa để hương khói, dân làng đa số làm nghề nông quanh năm đồng sâu ruộng cạn, đậu mè khoai sắn. Khi tiếng chuông sáng vang lên, cả làng và phụ cận thức dậy nấu cơm sáng, đánh trâu ra đồng làm việc và khi tiếng chuông thu không điểm mọi người nghỉ việc gióng trâu về chuồng… Tiếng Chuông Chùa, tiếng hồn dân tộc chắc phải là đây…

          Hằng năm, chùa làng tôi cứ vào các lễ lớn như lễ kỉ niệm Phật đản mồng tám tháng Tư (sau này giáo hội đổi lại ngày 15 tháng Tư theo tháng trăng tròn Vesakt), lễ Vu Lan, lễ Thành Đạo…, chúng tôi là đoàn sinh Oanh Vũ gia đình Phật Tử Lương Điền thường cắm trại ở lại đêm tại chùa và thường nghe bài kệ cảnh tỉnh này. Hồi ấy chúng tôi rất sợ làm rắn ở đời sau nên mỗi lần nghe tiếng chuông đầu tiên là ngồi dậy liền và đọc thầm ba điều luật của Oanh vũ: “Em tưởng nhớ Phật. Em vâng lời cha mẹ và thuận thảo với anh chị em. Em thương người và vật” mà các huynh trưởng như anh Quang-liên đoàn trưởng, anh Đích-đoàn trưởng, chị Hòe (Chài), bác Khước-Gia trưởng, anh Tẩn, anh Quảng,  chị Dư, chị Mười, chị Luận, chị Nồng… thường dạy khi lễ Phật, lễ đoàn, và sau khi ngủ dậy… Hồi ấy là thế… và qua bao biến động thăng trầm của đất nước, qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, quê hương nằm trong lửa đạn…
       Từ đó và bây giờ, chúng tôi vẫn đến chùa lễ Phật và công phu…. Chúng tôi có nhiều duyên phước gặp được Minh sư và pháp môn Khí công vi diệu này.                                                

         Nam mô Guru Deva Dakini Hum.

         Sau thời công phu thỉnh chuông, có nhiều huynh đệ đã ngồi trước điện Phật, điện Mẫu, đang hành thiền… Đến thời công phu sáng tụng chú Lăng nghiêm của một Phật tử đến viếng chùa (Chú Tư dạo này có tuổi, mỗi khi trở trời hơi gió là đau nhức lưng nên có người viếng chùa biết tụng kinh ở lại đêm thay chú Tư làm Phật sự này). Tiếng tang mõ đều đúng qui cách nhà thiền, có pháp ngữ, có ê a tán tụng theo âm điệu cung đình…

                   Nam mô Lăng nghiêm hội thượng Phật Bồ tát…

                   Diệu trạm Tổng trì bất động tôn…

                  … hổ hồng đô lô ung phấn ta bà ha…           

         Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai thị chơn tâm cho ngài A Nan và Đại chúng trên hội Lăng nghiêm, ngài An Nan đã liễu ngộ diệu chơn Tâm liền quì xuống đọc lời phát nguyện trên, sau này Chư Tổ lấy lời phát nguyện này làm bài tựa cho thời công phu sáng… Tiếng tụng kinh trầm hùng tha thiết bao hàm ba đức Bi Trí Dũng… Chúng tôi thường tâm niệm:

               Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong

               Thước Ca Ra Tâm vô động chuyển

               (Tánh hư không kia- có thể tiêu diệt

               Tâm bền chắc này-không bao giờ lay chuyển)         

          Có bao giờ chúng ta tự hỏi Tâm chúng ta đã bền chắc chưa? Tình yêu và xây dựng quê hương bằng mọi phương tiện mà mình có… Người đi xa, người ở lại, kẻ mới đến, chúng tôi nghĩ rằng dù xa ngái, dù ở lại, chúng ta có nơi chôn nhau cắt rốn hào hùng, đã từng chịu mưa dầm suốt tháng, nắng lửa gió lào, đã quen ăn mắm ăn cà, khoai nưa, chột môn, đọt đậu, bông bí, rau trơơng, những buổi chiều mưa dông câu cá, những ngày lụt lội vớt rều, những hội hè đình đám, họ làng giáp thôn mồ mả, những Mô súng, Bải voi, Băng cù, Hà mụ lịnh, Cồn mả, Bàu phoeo…, biết bao và biết bao…, cả một thời thơ ấu, sinh ra và lớn lên, như con chim non đủ lông đủ cánh bay đi…trời rộng sông dài…

           Đêm bắt đầu về sáng, các căn lều vải của chư huynh đệ Sài gòn đã gom lại phía gốc xoài… Trên sân Chùa, tất cả chư huynh, tỷ đệ muội đang yên lặng tập Dịch Cân Kinh, Nội gia Thái Cực quyền, Thiết phiến công… trước miếu Ngũ vị Tiên cô. Bình minh đang thức dậy, những tia nắng hồng phủ ấm núi đồi tranh, bên vách núi đá cao, hàng cây đeo bám lơ lững tạo thế huyền nhai đu đưa theo gió sớm…, đàn chim phướng đuôi dài bay lượn đón chào ngày mới… Trong màn sương mờ, đoàn người gồng gánh lên chùa và cũng có vài người sửa soạn xuống núi… Nắng đã lên, chư huynh đã tập xong công phu buổi sáng. Bên linh tượng Bồ tát Quán Âm và miếu ông Hổ, chúng tôi lại bắt đầu buổi trà đạo…thêm chuyện, thêm duyên…


                                             Mạn Đà

                                             Suối Ngổ, Mùa Vu Lan 2009


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét