Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

LỊCH SỬ LÀNG LƯƠNG ĐIỀN


LỊCH SỬ LÀNG LƯƠNG ĐIỀN

I.      Vài nét về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên




       Làng Lương Điền thuộc địa phận xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tổng diện tích đất ở của làng là 55 ha, đất nông nghiệp: 168,3 ha, đất hoang hóa :1,8 ha, diện tích ao hồ : 3,5 ha . Làng Lương Điền phía Nam giáp sông Ô Lâu, phía Tây giáp núi Hạ Lĩnh, phía Bắc giáp xã Hải Trường, phía Đông cận làng Hà Lộc (Xã Hải Sơn)


       Nhìn vào bản đồ, ta thấy làng Lương Điền ở phía Bắc sông Ô Lâu, chạy dọc theo chiều dài của sông. Làng Lương Điền mặt hướng ra sông, lưng được che chắn bởi dãy tre tự nhiên. Sông Ô Lâu chảy bao quanh, ôm trọn mặt Nam và mặt Đông của làng. Làng Lương Điền ở vào vị trí thuận lợi về đường bộ lẫn đường thủy. Sau lưng là đường liên xã, nối các xã Hải Tân, Hải Hòa…với QL 1A chạy qua địa phận của làng là điều kiện thuận lợi cho giao thông Bắc – Nam .

II.    Quá trình hình thành và phát triển của làng Lương Điền.



Đình làng xây lại sau 1975
        
Làng Lương Điền có lịch sử hình thành từ lâu. Làng có sử chí định vị họ tộc và nguồn gốc canh khẩn địa giới. Theo di cảo thỉ thiên của làng Lương điền, tổ tiên ngày trước gốc ở Lạng Phước, Tống Sơn , Thanh Hóa. Năm Đinh Tỵ ( 1497), theo lời phủ dụ của vua Lê Thánh Tông, các ngài Nguyễn Văn Tước, Nguyễn Đình Khoan, Lê văn Đạo và một số gia nhân, đinh tráng tự nguyện xuôi nam lập nghiệp. Các ngài đã đến châu Thuận, ven theo sông Độc Giang. Đây là vùng trũng rộng lớn, cây rừng thưa thớt, lau sậy um tùm, sông nước hiền hòa, hai nguồn tụ hội. Ban đầu lập nghiệp rất khó khăn vì lam chướng, chiến tranh.. Sau gần 10 năm, gần 1/3 số người thiệt mạng. Nhưng họ đã chiếm cứ, mở mang được một vùng đất đai rộng lớn. Năm 1508, ngài Nguyễn Văn Tước chính thức được tôn cử làm kẻ trưởng và thu nhận thêm những người phiêu bạt từ Đàng ngoài vào lập nên làng “Kẻ Lạng”. Dân cư làng Kẻ Lạng sớm ổn định cuộc sống, quy tập được 7 họ: Nguyễn Văn, Lê Văn, Trương Công, Đoàn Như, Nguyễn Khắc, Nguyễn Hữu, Nguyễn Tôn. Đình làng được xây dựng làm nơi hội họp, bàn các công việc chung trong làng. Thời gian này, chợ Hôm Lạng(Kẻ Lạng) xuất hiện do nhu cầu trao đổi, buôn bán với nhân dân quanh vùng và hai bên bờ sông Ô Lâu.


Cây phong lưu trước đình làng

Làng Lương Điền có một quá trình phát triển liên tục. "Phủ Biên Tạp Lục”, của Lê Quý Đôn (1776) đã nhắc đến làng Lương Điền như sau: “…Đại quân tiến đóng ở bến Hồ-Xá huyện Minh Linh, sai người vào dụ Phúc Thuần. Người họ Nguyễn là bọn Thành quận công Nguyễn Huống cùng mưu bắt Phúc Loan do đường thủy đến hành dinh và đưa tờ tâu, tờ khải dâng vàng 800 lạng, biếu Việp quận công 200 lạng, xin nộp bản đồ sổ sách để giữ chức sống. Chưa được trả lời thì Cai đội Tô Nhuận nói rằng quan quân miền Bắc ở hành dinh không mấy, thống tướng thì mặc áo vải xanh, binh sĩ ăn mặc rách rưới, tất không phải là đại quân, bởi vì tục quen phù hoa, thấy thế thì khinh thường, bèn đem quân ra đánh. Ngày 7 tháng 12, sang đồn Độc Giang đến các xã Lương Phúc, Diên Sinh. Việp quận công sai Trấn - lĩnh hầu Nguyễn Đình Khoan đốc suất hậu quân, sai Thạc- vũ hầu Hoàng Phùng Cơ làm tiên phong, đón đánh tan cả, chém và bắt sống vô số, được hơn 30 con voi, hơn 100 con ngựa. Thủy binh họ ra đánh ở Độc Giang cũng thua to. Việp quận công tiến binh theo đường núi đi về phía hữu, đánh lấy mặt Thác- ma Thác- thầm, làm cầu nổi sang sông ở thượng lưu sông Bái đáp”


Cổng tam quan họ Nguyễn Văn

Theo “Phủ Biên Tạp Lục”, nhà Lê đã chia đặt lại các danh hiệu phủ, huyện, tổng, thuộc xã, thôn, phường, giáp, ấp, châu của họ Nguyễn hai xứ Thuận Hóa. Làng Lương Điền lúc này gọi là xã Lương Phúc thuộc tổng Câu Hoan, huyện Hải Lăng.

Như vậy, theo Lê Quý Đôn và sử chí của làng, Lương Điền thế kỷ XVIII có tên ban đầu là Lương Phúc (Phước). Đây là thời gian làng xác định địa phận và mốc lộ giới: phía Nam giáp sông Ô Lâu, phía Đông giáp làng Hà Lộc, phía Tây giáp núi Hạ Lĩnh, phía Bắc giáp sông Trường Giang (sông Bến Đá).

Sử chí của làng chép rằng: đây là đất kinh phu nơi chúa Nguyễn đặt đại bản doanh tại phủ và thành lập hệ thống quân cơ trên đất Lương Phúc như Bãi Voi, Trường Ngựa, Kho , Mô Súng… những địa danh này vẫn còn tên gọi như trong sử chí.




Năm 1802, triều Nguyễn chính thức thiết lập sau khi đánh đổ triều Tây Sơn. Đất nước từ đây cũng thay đổi theo những chính sách của nhà Nguyễn,. Năm Gia Long thứ ba (1804) địa bộ của làng được sửa đổi. Chữ Phúc (Phước) là quốc húy nên làng Lương Phúc đổi tên thành làng Lương Điền cho đến tận ngày nay. Sau này do dân cư đông đúc nên làng Lương Điền chia thành các làng Tân Điền, Tân Trường, Như Sơn, Vực Kè. Trước đây khi thành lập, những khu vực đó đều thuộc làng Lương Điền.

Trong quá trình lịch sử nhân dân làng Lương Điền đã xây đắp nên truyền thống đấu tranh cách mạng, góp phần cùng cả nước giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược nhân dân Lương Điền đã góp sức mình cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, có biết bao nhiêu chiến công gắn với tên người và đất của Lương Điền.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Lương Điền đã có hơn 200 con em thoát ly tham gia cách mạng. Trong đó 34 đồng chí đã hi sinh, 19 đồng chí thương bệnh binh, 111 người được Nhà nước tặng thưởng Huân – Huy chương các loại, 30 người hưởng chế độ hưu, mất sức, 01 mẹ VN anh hùng.


Bến đò chợ Hôm Lạng

Từ sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Lương Điền đã thực hiên tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Lương Điền phấn đấu vì quê hương giàu đẹp, xứng đáng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Những năm trước đây, do thiếu chủ động tưới tiêu, thiếu thâm canh, thiếu kiến thức nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, năng suất thấp, chỉ đạt dưới 30 tạ/ha/vụ. Chăn nuôi bị dịch bệnh thường xuyên, ngành nghề không phát triển. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, phải lên rừng hái củi, tranh tre, phế liệu chiến tranh…để chống đỡ cái đói mùa đông giáp hạt. Trong những năm gần đây, cơ chế sản xuất được Nhà nước thay đổi cùng với sự quan tâm, đầu tư hổ trợ về cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nên đời sống nhân dân được thay đổi. Trước đây, số lượng ngành nghề hạn chế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp còn ít nghề phụ. Hiện tại, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm vị trí chủ đạo, nhưng có thêm nhiều ngành nghề khác, đem đến thu nhập cho người nông dân, cuộc sống ổn định hơn trước.

Làng Lương Điền hiện có nhiều cơ sở sản xuất, nhiều hộ kinh doanh… thu hút một số lượng lớn lao động của làng. Đặc biệt, làng có 10 chiếc xe trọng tải trên 10 tấn, 1 xe du lịch. Lương Điền là làng có dân số lớn nhất xã Hải Sơn. Lương Điền hiện có 550 hộ với 2532 nhân khẩu phân bố thành 5 khu vực dân cư: Nam, Đông, Tây, Cồn Tàu, Lương Định. Trong đó, có 1 Hợp Tác Xã nông nghiệp với 346 hộ tham gia.


Đình chợ Hôm Lạng mới được trùng tu

Trong 10 năm đổi mới, Lương Điền đã đẩy lùi nạn đói. Hộ nghèo đói giảm từ 40%- 50% xuống còn dưới 9%. 100% số hộ đã dùng điện, trên 70% số hộ có phương tiện nghe nhìn, khoảng 50% hộ gia đình đã có xe gắn máy, 99% số hộ đã có nước sạch và 60% hố xí hợp vệ sinh. Hầu hết nhà ở bằng tranh tre đã được thay bằng mái ngói, nhiều hộ đã xây được nhà kiên cố. Lương Điền nằm ở trung tâm xã nên có nhiều công trình công cộng dược xây dựng trên địa phận làng: UBND xã Hải Sơn, Trường Mầm Non, Trường tiểu Học, trường THCS, Trường THPT Nam Hải Lăng, phòng khám Đa khoa, Trạm Kiểm Lâm, trạm hạ thế 10 Kv, điểm Bưu điện văn hóa xã Hải Sơn.  Đó là những cố gắng lớn của nhân dân Lương Điền trong quá trình xây dựng quê hương.

Làng Lương Điền có truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn. Nhớ về trận lụt lịch sử ở miền Trung tháng 11/1999, nhân dân Lương Điền thể hiện truyền thống tương trợ trong chống chọi với thiên tai, được cấp trên tặng khen và biểu dương. Tuy là địa bàn rộng, người đông, gần đường QL 1A, gần đường sắt, gần chợ Mỹ Chánh nhưng các tệ nạn xã hội ít có cơ hội phát triển. Lương Điền thực hiện tốt các chính sách kề hoạch hóa gia đình. Trong những năm gần đây, tỉ lệ phát triển dân số giảm từ 2,2% xuống con 1,2%. Làng Lương Điền xác định rằng, muốn làm giàu, muốn phát triển thì không có con đường nào khác là đầu tư cho giáo dục, cho thế hệ trẻ. Làng có 95% cháu được vào trường Mầm non, phổ cập Tiểu học 100%, 95% số học sinh đúng độ tuổi học PTCS, số học sinh học cấp THPT ngày càng nhiều. Hàng Năm, có nhiều con em của làng đỗ và các trường Đại học, Cao Đẳng, THCN và dạy nghề. Nhiều con em của làng ra đi đã có những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, quê hương.

Làng Lương Điền hiện có chi bộ Đảng mạnh với 34 Đảng viên. Làng có 50 Đoàn viên, 100 Thanh niên, 30 Cựu Chiến Binh, 200 Hội viên Phụ nữ, 150 hội viên Nông dân,250 hội viên người cao tuổi, 3 Câu lạc bộ Quân nhân, 1 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc.

III. DÂN CƯ LÀNG LƯƠNG ĐIỀN

1.  Vài nét về kết cấu xã hội:


Sông Ô Lâu nhìn từ làng Lương Điền. 

        Kết cấu xã hội làng Lương Điền khá chặt chẽ, đan xen giữa kết cấu xã hội theo huyết thống(dòng họ) và theo quan hệ láng giềng. Từ khi lập làng đến lúc tên làng Lương Điền chính thức được nhà vua phong sắc, ngoài 7 họ thời kỳ khai khaanrcos thêm 5 họ gia nhập làng, được tôn xưng trong các buổi lễ truyền thống của làng, bình đẳng như các họ khác. Các họ đó được gọi là “Thập nhị Tôn phái”. Đến nay, làng Lương Điền có tất cả 19 họ tộc đang sinh sống tại làng. Họ lớn có nhà thờ và tộc ước (quy ước dòng họ). Ngoài ra, làng xóm có các hội đoàn tập hợp những người theo giới tính, tuổi tác như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên…Trong làng, có Hội đồng chư tộc, bao gồm đại diện các họ tộc, cùng tham gia bàn bạc công việc chung của làng. Làng có Hương ước đề ra những quy định riêng trong phạm vi làng, buộc các thành viên trong làng phải nghiêm chỉnh thực hiện.

Xóm chợ

          Làng Lương Điền là một tổ chức xã hội mang tính cộng đồng cao: từ cộng đồng dòng họ, cộng đồng xóm ngõ đến cộng đồng cả làng. Tính cộng đồng ấy dựa trên cơ sở cộng cư (cùng cư trú), cộng đồng sở hữu (đất đai, tài nguyên), cộng mệnh (tín ngưỡng và tâm linh) và cộng cảm (sự hòa hợp về  văn hóa và ứng xử). Tính cộng đồng ấy là sức mạnh cố kết cư dân vốn sinh sống từ xa xưa cũng như thu hút, cảm hóa lớp dân cư mới nhập cư sau này bởi nhiều nguyên nhân.

2. Vài nét về đời sống văn hóa tinh thần.

Chùa làng 

          Làng Lương Điền sản sinh và bảo tồn cho tới nay đời sống tinh thần khá phong phú và đa dạng. Bộ mặt văn hóa tinh thần bộc lộ rõ nét nhất qua đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Mọi gia đình, cá nhân tôn thờ Đạo tổ tiên trong phạm vi gia tộc và dòng họ, thờ Thần thổ địa ở từng gia đinh, xóm ngõ, thờ thần bảo hộ cho cả làng, thờ các vị có công với làng với nước, thờ Mẫu, thờ Tổ sư các ngành nghề, thờ Phật…Cùng các tín ngưỡng -  tôn giáo ấy là các công trình kiến trúc: nhà thờ họ (tổ tiên), miếu, đề, đình, chùa…Ở đây thể hiện ở mức độ cao tín ngưỡng đa thần, sự hòa hợp tôn giáo tín ngưỡng, tính bình dị và thiết thực của đời sống tâm linh.

          Người Lương Điền duy trì bền vững các hình thức lễ nghi liên quan đến đời sống cá nhân: Nghi lễ trong sinh đẻ, cưới xin, mừng thọ. Tang ma, đặc biệt là phong tục trong tuổi tác kèm theo nghi lễ mừng thọ: 60, 70, 80, 90…tuổi.

          Cùng với các tín ngưỡng, nghi lễ kể trên là các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như: lễ hội đua thuyền, lễ tế thần linh vào Rằm tháng Bảy, lễ kị Bà vào ngày 22 tháng 2 âm lịch hàng năm…

          Ngày nay, bên cạnh những yếu tố văn hóa hiện đại, người dân Lương Điền đã có ý thức duy trì văn hóa cổ truyền nhất là các sắc thái văn hóa độc đáo của địa phương. Đó là mẫu hình tốt cho quá trình kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của đời sống văn hóa của người nông dân trong quá trình đo thị hóa, hiện đại hóa.

          Người dân Lương Điền có ý thức lịch sử cao, tự hào về gốc tích xa xưa, tự hào về những thành quả tổ tiên đã tạo dựng nên trong những năm tháng gian khổ. Trải qua bao biến động lịch sử, làng Lương Điền vẫn phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, xứng đáng với những gì ông cha đã vun đắp nên. Từ ý thức lịch sử, người dân Lương Điền có ý thức cộng đồng cao. Nét nổi bật trong tính cách người dân Lương Điền là sự đoàn kết, gắn bó với nhau, cùng chóng thiên tai, địch họa. Họ yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Khi làng có người gặp khó khăn, hoạn nạn hay nhiều rủi ro khác, thì làng xóm động viên, giúp đỡ về tinh thần, vật chất ổn định cuộc sống, thể hiện tinh thần “ Lá lành đùm lá rách”, thể hiện đúng nghĩa với tên làng xưa mà cha ông đã đặt cho : “Lương Phúc.

          Trong đời sống tâm linh, người dân Lương Điền thể hiện sự hòa hợp tín ngưỡng tôn giáo, với sự hiện diện nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau nhưng họ thực hành tín ngưỡng một cách bình dị và thực tiễn, phù hợp với vùng đất mà họ sinh sống.

          Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, làng Lương Điền nằm trong khu vực có sự giao tranh ác liệt giữa ta và địch nên không tránh khỏi sự tàn phá của chiến tranh. Hầu như giấy tờ  liên quan đến quá trình hình thành làng Lương Điền đề bị hủy hoại bởi bom đạn, đó là mất mát lớn đối với người dân Lương Điền. Tuy nhiên, căn cứ vào một số sử liệu còn được lưu truyền cùng với Phổ ý của các họ tộc, chúng tôi đã phác họa và nét về quá trình hình thành của làng Lương Điền trong lịch sử. Sự phát triển liên tục của làng Lương Điền là một thực tế. Làng có bề dày lịch sử không những về niên đại mà còn về truyền thống của làng. Vẫn còn đó mái đình thuở xưa, lúc lập làng, dù bị bụi thời gian và chiến tranh tàn phá. Và, còn biết bao minh chứng hùng hồn khác ẩn saau trong quá khứ. Qua thời gian, dấu ấn của lịch sử vẫn còn in đậm trong đất và người Lương Điền.


11 nhận xét:


  1. Rất vui mừng
    Trang W.làng ta có mặt cùng các làng bạn trong vùng.Kính Cám ơn đến Ô.Nguyễn khắc Phước đã góp công lớn với Quê hương làng xã ...
    Tập Như Lê văn Ngọc 7/01/13

    Trả lờiXóa
  2. Tôi yêu lương diền tôi

    Trả lờiXóa
  3. Tôi là một người con xa quê , khi đọc được Lịch sử Làng Lương Điền , tôi rất mừng và tự hào. Tôi đọc bài : Thầy Nguyễn Tôn Lũy 80 tuổi đời , 70 tuổi đạo rất có ý nghĩa .Tôi rất mong Ông Nguyễn Khắc Phước và Ban Biên Tập viết về Ông Nguyễn Khắc Cơ , là một người giúp đỡ bà con và có công với Làng Xã rất nhiều. Kính mong Ông Nguyễn Khắc Phước và BBT viết bài về Ông Nguyễn Khắc Cơ . Xin chân thành cảm ơn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Khắc Cơ là ai, chắc người viết này là con cháu của Ông Cơ rồi.

      Xóa
  4. Đọc bài viết của ông Nguyenx Khắc Phước rất hay có nhiều thông tin mới.Tôi là người làng Vân Trình,bấy lâu nay mãi sưu tầm sách vở,tài liệu để tìm đôi chút ánh sáng về lịch sữ lập làng của cha ông.Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh,lụt lội cho nên các gia phả,bài viết,sắc phong bi mất mát quá nhiều.Nay đọc bài viết của ông,có thông tin từ di cảo thỉ thiên ,Cư dân làng Lương Điền có nguồn gốc từ Tống Sơn,Thanh Hóa vao lập làng nămĐinh Tỵ(1497),nếu đùng như vậy thì tôi rất mừng.Lâu nay tôi cũng nghĩ như vậy nhưng không dám chắc.Mong ông chia sẽ thêm về vấn đề này

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết rất hay, cảm ơn các bác;
    Họ Lê cháu ở làng Hưng Nhơn , gia phả trùng tu năm Thành Thái thứ 2 chép: Ngài Thỉ Tổ họ Lê ta là người Thanh Hóa...không ghi năm vào nam...nhưng truyền đến nay được 21 đời, nếu theo cách tính của các nhà gia phả học, 25 năm cho một đời, thì ngót nghét đến nay đã hơn 500 năm, và trùng với thời gian các Ngài Thỉ Tổ làng Lương Điền vào nam...Phải chăng các ngài ra đi từ quê hương Thanh Hóa, trong cùng khoảng thời gian cuối thế kỷ 15? rất mong được chia sẻ cùng các bác, chân thành cảm ơn! Hậu sinh - Lê Ngọc Quốc
    http://quemequangtrihungnhon.blogspot.com/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Quốc Lê Ngọc đã đọc và bình luận

      Xóa
  6. that su nam nay da la 30nam sinh ra va lon len nhug hom nay moi that su bit ro ve lang minh hazzzz

    Trả lờiXóa
  7. Tôi là Lê Văn Hoà cũng là người con của làng đội 3 con của bà Thân Thị Yến (bán chuối) Bây giờ tôi mới biết về lịch sử của làng

    Trả lờiXóa