Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Những cựu chiến binh vượt khó làm giàu

KTNT - Trở về sau chiến tranh với bộn bề gian khó nhưng bằng ý chí của người lính Cụ Hồ, họ đã vượt lên hoàn cảnh, làm giàu từ chính đôi tay của mình trên mảnh đất nghèo khó. Đó là những cựu chiến binh mà chúng tôi gặp ở xã Hải Sơn (Hải Lăng - Quảng Trị).


Nữ cựu chiến binh 22 năm bám trụ đồi hoang




Về thôn Tân Điền, hỏi nhà nữ cựu chiến binh Phan Thị Quyệt, 66 tuổi ai cũng biết. Khi chúng tôi đến nơi thì bà đi vắng. Người hàng xóm nhiệt tình chỉ: “Giờ này anh lên đồi Nancy sẽ gặp, chắc bà ấy đang ở trang trại trên đó”. Từ nhà bà Quyệt, chúng tôi ngược lên đồi Nancy ken dày cỏ dại. Con đường lổn nhổn ổ gà, ổ voi khiến chiếc xe U-oát chở chúng tôi phải lắc lư một hồi lâu mới tìm được trang trại của bà.

Trước mắt chúng tôi là khu trang trại khang trang của bà Quyệt nằm nhấp nhô trên triền đồi xanh thẳm. Tiếp chúng tôi, bà Quyệt kể, mình đã có 22 năm gắn bó với vùng đồi này. Mái tóc bắt đầu điểm bạc nhưng đôi mắt vẫn sáng rực, bà bồi hồi kể lại chuyện đời của mình. Năm 1964, bà là du kích hoạt động tại địa phương. Đến năm 1965, bà bị địch bắt, giam tại nhà lao Quảng Trị, sau đó bị đưa vào lao Thừa Phủ, Thừa Thiên - Huế. Mãi đến năm 1968, khi Huế giải phóng, bà mới được thả. Dù vẫn còn đau đớn với nhiều thương tích do bị địch tra tấn dã man nhưng ngay sau khi trở về từ trại giam, bà tiếp tục xung phong đi bộ đội. Bà được biên chế làm hộ lý ở Bệnh viện 68 thuộc Mặt trận 7, chiến khu Bình Trị Thiên. Năm 1970, bà bị thương, cộng với những trận sốt rét rừng hành hạ nên đơn vị chuyển bà ra Tiên Lãng (Hải Phòng) an dưỡng. Tại đây bà lập gia đình rồi lần lượt sinh 3 người con trai. Sau đó bà cùng các con trở về quê hương, còn chồng bà tiếp tục lên đường vào Nam chiến đấu, hẹn nhau ngày giải phóng sẽ trùng phùng. Thế nhưng, đau đớn thay, trong những ngày cận kề giải phóng đất nước, bà nhận được giấy báo tử của chồng. Trái tim bà như vụn vỡ, chỉ biết ôm đàn con thơ mà khóc. “Lúc ấy, tôi như chết lặng, vẫn biết chiến tranh là mất mát nhưng nỗi đau đến quá bất ngờ. Có lúc tôi nghĩ mình không thể sống nổi. Nhưng nhìn đàn con thơ, tôi nghĩ mình phải sống để thay chồng nuôi các con khôn lớn”, vẫn chưa hết bồi hồi, bà Quyệt kể.

Chồng hy sinh, bà ở vậy nuôi con. Những ngày sau giải phóng, quê hương điêu tàn, đời sống của gia đình bà và dân làng chìm ngập trong khó khăn. Sống chật vật cho đến năm 1999, bà cùng các con lặng lẽ khăn gói lên đồi Nancy khai hoang. “Lúc ấy vì nghèo quá nên tôi nghĩ phải khai khẩn đất đai để làm ăn chứ mấy mẹ con chỉ sống dựa vào 1 sào ruộng thì có nước đói dài”, bà Quyệt giải thích cho quyết định của mình.

Bà kể, hồi ấy, Nancy là vùng đồi trọc với các loại cỏ tranh, sim, mua dày đặc. Nguyên là căn cứ của Mỹ - nguỵ nên sau giải phóng, khu vực đồi Nancy còn sót lại nhiều bom đạn, rất ít người dân dám lên vùng này nên khi bà quyết định lên đồi hoang lập nghiệp, nhiều người không khỏi ngạc nhiên xen lẫn hoài nghi. Những ngày đầu bà chặt cây, bứt tranh dựng một chiếc chòi nhỏ để làm nơi tá túc cho mấy mẹ con, sau đó bà và các con bắt đầu khai khẩn đất hoang. Sau một thời gian dài với bao mồ hôi công sức, một khu vườn dần thành hình. Rồi bà chạy vạy, vay mượn tiền bạc để mua vài con dê, lợn về thả nuôi. Với sự cần cù, chịu khó, chỉ vài năm sau, đời sống của mẹ con bà dần ổn định. Tiếp đó, bà cùng các con đào hồ nuôi cá, trồng thanh long, hồ tiêu, chè, nuôi thêm lợn, gà và mua thêm mấy hecta đất rừng để trồng tràm... Nhìn khu trang trại bề thế của mình, bà Quyệt bảo, nhiều lúc bà không tin mình có cơ ngơi như hôm nay. Mới đây, khi sức khỏe giảm sút, bà giao trang trại cho con trai út là Phan Thanh Sơn quán xuyến. Hiện, trang trại của mẹ con bà đang nuôi 3 con hươu sao, 500 con gà thịt, 50 lợn thịt, trồng các loại cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập 300-400 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 100 triệu đồng. “Tôi tự hào vì đã làm giàu từ trong gian khó. Mong rằng các con mình sẽ tiếp tục làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc của mình, để những vùng đồi hoang hồi sinh”, bà mẹ già gửi gắm mong ước của mình.


Làm giàu trên đồng trũng

Đàn vịt của gia đình anh Sơn


Với dáng người nhỏ nhắn, anh Nguyễn Hữu Sơn, 55 tuổi, lùa đàn vịt ra đồng trong cái nắng chói chang. Ngôi nhà của anh ngay sát Quốc lộ 1A ở thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, lâu nay vẫn được xem là ồn ào nhất bởi tiếng... vịt kêu!. “Tôi làm nghề chăn vịt đã hơn 20 năm rồi đó. Xuất ngũ được 5 năm thì tôi bắt đầu bén duyên với nghề chăn vịt”, vừa lội bì bõm từ dưới ao trước nhà đi lên, anh Sơn vừa liến thoắng khoe với chúng tôi. Bên ấm trà nghi ngút khói, anh Sơn tâm sự: “Tôi là bộ đội thuộc Quân đoàn 3, Sư đoàn 31, chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên từ năm 1982, năm 1986 mới xuất ngũ. Hồi ấy cũng gian khổ, hiểm nguy lắm nhưng giờ nhớ lại tôi rất đỗi tự hào”.
Xuất ngũ về quê hương, anh Sơn lấy vợ. Vợ chồng cưới nhau được ít lâu thì dọn ra ở riêng. “Hồi ấy vùng này hoang vắng lắm chứ không có xe cộ tấp nập, dân cư đông đúc như bây giờ. Nhưng sợ nhất là cái nghèo. Hai vợ chồng cật lực làm thuê làm mướn mà chẳng đủ tiền nuôi con. Vợ chồng tôi trăn trở phải kiếm một cái nghề...”, anh Sơn nhớ lại. Rồi trong những mùa gặt, anh thấy lúa hạt sót lại giữa đồng rất nhiều. “Trong đầu tôi loé lên ý nghĩ hay là mình nuôi vịt thả đồng. Thế rồi, sau khi bàn với vợ, tôi quyết định dồn hết vốn liếng mua mấy trăm con vịt về nuôi. Hồi ấy nuôi vịt lớn nhanh như thổi, chẳng bệnh tật gì nên chỉ vài vụ nuôi là vợ chồng tôi có vốn”, anh Sơn nhớ lại những vụ vịt đầu tiên cách đây 20 năm. Những mùa sau đó, người dân thôn Lương Điền thấy anh Sơn lọ mọ cầm sào lùa vịt đi khắp các cánh đồng trong xã. Khi những cánh đồng trong xã cạn thức ăn, anh lại lùa vịt đi các đồng khác ở các xã vùng trũng như Hải Tân, Hải Hoà, Hải Thành... “Những năm gần đây, do người ta nuôi vịt nhiều quá, vả lại sức khỏe giảm sút nên tôi thường thuê xe ô tô chở vịt “chạy đồng” xa ở Triệu Phong, Gio Linh. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi khoảng 4 lứa vịt với trên dưới 1.500 con, trừ chi phí, thu lãi được khoảng 100 triệu đồng. Cũng nhờ nuôi vịt mà kinh tế gia đình tôi trở nên khá giả, 3 đứa con đều được ăn học đàng hoàng”.
Ông Lê Thanh Quý, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hải Sơn chia sẻ: “Bà Quyệt, anh Sơn là những cựu chiến binh tiêu biểu rất đáng khen ngợi, bởi họ đã biết vươn lên làm giàu từ nghèo khó. Họ chính là hạt nhân kích thích phong trào cựu chiến binh hăng hái thi đua làm giàu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ để giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Lê Mai
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

1 nhận xét:

  1. Người thứ hai được đề cập đến trong bài viết là anh Trần Hữu Sơn chứ không phải là Nguyễn Hữu Sơn.

    Trả lờiXóa