Ban Quản Trị

Thư từ bài vở xin gởi về:
Nguyễn Điền: nguyendienhl@gmail.com - Nguyễn Lê Hiếu: lehieunguyen91@gmail.com - Triều Nguyên: baolongspkt@gmail.com, luongdienhaison@gmail.com, ngkhacphuoc@gmail.com


Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Ô LÂU - DÒNG SÔNG TÌNH YÊU

Ở phía nam huyện Hải Lăng, sông Ô Lâu là ranh giới thủy văn tự nhiên giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên-Huế. Với dòng chính dài gần 65 km, diện tích lưu vực là 855 km2 và đổ ra biển ở phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế), sông Ô Lâu tạo nên những phong cảnh hữu tình gắn với đời sống của con người ở các làng quê Mỹ Chánh, Lương Điền, Hà Lộc, Hà Lỗ, Câu Nhi, Văn Quỹ, Hưng Nhơn, An Thơ, Phú Kinh... thuộc các xã Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Tân và Hải Hòa.



Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, đó là những ngôi làng Việt cổ đã hơn 700 năm hình thành và phát triển. Và trong “Ô Châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An, sông Ô Lâu được miêu tả với vẻ đẹp “Nước trời lấp lánh, hoa nở ngạt ngào, hương bay mười dặm, lá biếc lay động như hài vượt sóng...”. Sông nước ấy, vẻ đẹp ấy đã sinh ra người dân có nhân tâm thuần hậu với những tình yêu đã đưa sông Ô Lâu trở thành dòng sông tình sử, dòng sông huyền sử và dòng sông thi ca.

Tình sử Ô Lâu gắn liền với một người con gái đã thơm thảo giúp anh học trò nghèo qua sông vào kinh đô Phú Xuân ứng thí. Và sông nước Ô Lâu đã chứng giám lời thề non hẹn biển giữa anh học trò nghèo với cô thôn nữ ấy bên cây đa, bến thuyền ở làng quê dân dã. Nhưng khi trở lại sau đỗ đạt, anh học trò nghèo ngày ấy chỉ còn có thể gặp lại cây đa, bến nước, con đò trong niềm thương cảm, luyến tiếc được lưu truyền từ mấy trăm năm trước đến hôm nay:

“Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa, bến cộ, con đò khác đưa
Cây đa, bến cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi…”

Dòng Ô Lâu xanh mát, hiền hòa cũng là nơi chứng kiến sự sinh ra và lớn lên của người con gái xinh đẹp, nết na Nguyễn Thị Bích-người vợ thứ hai của anh hùng áo vải, cờ đào Nguyễn Huệ - hoàng đế Quang Trung hiển hách chiến công dẹp Trịnh, phù Lê và phá tan quân Thanh xâm lược. Được sinh ra ở làng Câu Nhi của xã Hải Tân, cô gái Nguyễn Thị Bích theo cha vào Bình Định và kết tóc xe tơ cùng anh hùng Nguyễn Huệ. Kết tinh của nghĩa vợ tình chồng giữa cô gái Nguyễn Thị Bích và người anh hùng Tây Sơn là một người con trai tuấn tú. Với niềm tin và lòng ngưỡng mộ đối với người anh hùng áo vải, bà Nguyễn Thị Bích là người vợ hiền rất mực thủy chung chờ chồng, nuôi con trong những năm tháng anh hùng Nguyễn Huệ xông pha trận mạc. Để rồi sau cái chết của hoàng đế Quang Trung, bà Nguyễn Thị Bích đã bồng con trai về lánh nạn bên dòng Ô Lâu…

Như sóng nước Ô Lâu lớp sau tiếp lớp trước, tình yêu của những con người ở những làng quê bên dòng sông Ô Lâu không ngừng sinh tỏa và sông Ô Lâu tiếp tục vun thắm vẻ đẹp của những người con gái thân thương của mình cùng tình yêu vàng đá. Một trong những tình yêu được người dân ở các làng, xã trên lưu vực sông Ô Lâu truyền kể đến ngày nay là tình yêu của người con gái Dương Thị Ngọt ở làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh và vua Thành Thái. Với vẻ đẹp đoan trang và phẩm hạnh cao quý, cô gái Dương Thị Ngọt đã trở thành người vợ thứ 9 của vị vua yêu nước Thành Thái. Được vua Thành Thái hết mực yêu thương và sủng ái, bà phi Dương Thị Ngọt đã không tránh khỏi sự ghen ghét, đố kỵ vẫn thường xảy ra ở chốn hậu cung mà kết cục là bà bị giáng tội khi quân và phải lãnh án hình xử chém. Tiếc thương ái phi Dương Thị Ngọt, vua Thành Thái đã cho cử hành tang lễ của bà theo nghi lễ của triều đình đối với một hoàng phi và dùng thuyền rồng đưa bà về yên nghỉ tại quê nhà thân yêu ở thôn Hội Kỳ bên dòng Ô Lâu.

Bắt nguồn từ rừng núi tây Trị-Thiên hùng vĩ rồi uốn lượn qua bao triền đồi bazan màu mỡ, hiền hòa chảy qua các xã ở phía nam của huyện Hải Lăng còn được gọi bằng các tên khác là sông Thu Rơi, sông Mỹ Chánh, sông Thác Ma, dòng sông Ô Lâu chuyên chở trong mình những tình yêu và tác phẩm thơ ca dân dã, mang vẻ đẹp như nước mắt của những người con gái...

Tác giả bài viết: Nguyễn Bội Nhiên
Nguồn tin: baoquangtri.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét